Skip to main content

ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO KỶ NIỆM 45 NĂM THÀNH LẬP PHƯỜNG CHÂU PHÚ A (25/4/1979 – 25/4/2024)

ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO

KỶ NIỆM 45 NĂM THÀNH LẬP PHƯỜNG CHÂU PHÚ A

(25/4/1979 – 25/4/2024)

 

 

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

Phường Châu Phú A là trung tâm đô thị, xưa kia là một phần đất của xã Châu Phú, ngày nay là một đơn vị hành chánh thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Qua các giai đoạn lịch sử, nhân dân các nơi về đây chung sức khai mở đất đai, xây dựng cuộc sống và thôn xóm ngày càng trở nên đông đức, trù phú.

Là vùng đất vốn có truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong quá trình mở đất và giữ đất, suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vùng đất Châu Phú A đã ghi dấu những chiến công, sự đấu tranh bền bĩ, dũng cảm của quân dân địa phương.  

Tháng 2-1976, xã Châu Phú A được thành lập, rồi trở thành phường Châu Phú A (4-1979). Trên địa bàn mới, Đảng bộ và nhân dân phường đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đổ biết bao công sức góp phần bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, xây dựng và phát triển địa phương trên các lĩnh vực, xứng đáng là trung tâm kinh tế - văn hóa của thị xã Châu Đốc.

Qua đó, nhằm ghi lại thành tích vẻ vang của quân dân địa phương; tôn vinh những đồng chí, đồng bào đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong xây dựng, bảo vệ quê hương và phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng địa phương.

Hơn nữa, cũng giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thanh thiếu niên trong phường hiểu rõ hơn về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương qua các thời kỳ lịch sử. Từ đó nâng cao lòng tự hào dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG I

KHÁI QUÁT VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI PHƯỜNG CHÂU PHÚ A

 

Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, dưới triều vua Gia Long (1808), địa bàn phường Châu Phú A xưa kia là vùng đất thuộc huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, là một phần đất thuộc thôn Châu Phú, tổng Châu Phú, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang.

Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), trên địa bàn thôn Châu Phú, trường tỉnh học được thành lập.

Vùng Châu Đốc là khu vực quân sự, triều đình đặt làm một đạo biên phòng với vai trò đồn trú án ngữ sông Hậu. Nhằm bố phòng Châu Đốc, ngăn chặn quân Xiêm - Chân Lạp quấy phá, năm 1816, vua Gia Long sai Trấn thủ Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường xây thành Châu Đốc, tập trung quân và dân 3.000 người đắp đồn theo hình lục giác, thành cao hình đá ong, vội cát, chung quanh có đào chiến hào, mặt tiền thành hướng về bờ sông Hậu (vị trí thành đến đời Pháp thuộc là thành lính tập, thành Sơn Đá, P.C), đem quân ở 4 trấn (toàn Nam kỳ) phân bổ đến lưu trú. Bấy giờ dân số quanh Châu Đốc còn quá ít.

Đến đầu thế kỷ XIX, dân cư ở Châu Đốc vẫn còn thưa thớt. Nhằm biến Châu Đốc thành đồn biên phòng và tự sản xuất lương thực nên triều Nguyễn ban hành nhiều chính sách khuyến khích khẩn hoang. Từ năm 1817, khi Diệp Hội được cử làm Cơi phủ  Châu Đốc, về sau đất rộng mở mang hơn trước. Công việc buôn bán ở khu vực Châu Đốc hình thành. Từ 1818, Nguyễn Văn Thoại cho tu bổ lại đồn Châu Đốc. Phía sau đồn còn nhiều đất hoang, Ông cho chiêu mộ người Hoa, người Khmer, người Chăm đến khai phá, lập chợ Châu Đốc.

Dân cư trên vùng đất Châu Đốc (Châu Phú A) gồm nhiều thành phần khác nhau. Đó là những người đến khai hoang theo chính sách của triều Nguyễn, là những quân binh theo Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại đồn trú giữ gìn an ninh vùng “Châu Đốc tân cương”.

Một trong những nhóm di dân khai phá vùng Châu Đốc là gia tộc Nguyễn Khắc, thuộc dòng con cháu Nguyễn Văn Thoại, hiện đã đến đời thứ 7 là ông Nguyễn Khắc Mi[1].

Năm 1901, địa bàn Châu Phú A thuộc tổng Châu Phú, tỉnh Châu Đốc; thuộc tổng Châu Phú, quận Châu Thành, tỉnh Châu Đốc (1917); thuộc quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc (1930); thuộc tỉnh An Giang (1957); rồi tỉnh Châu Đốc (1964, sau khi chia tách tỉnh) cho đến ngày giải phóng 30/4/1975. 

Theo sự phân chia địa giới của chính quyền cách mạng, vùng đất Châu Phú A thuộc huyện Châu Phú A, tỉnh Long Châu Hậu (1948); rồi huyện Châu Phú, tỉnh Long Châu Hà (1950). Năm 1957 thuộc tỉnh An Giang.

Đầu năm 1965, ta lập thị xã Châu Đốc, địa bàn Châu Phú A thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang; rồi thuộc tỉnh Châu Hà (1971); tỉnh Long Châu Hà (1974).

Tháng 2-1976, xã Châu Phú tách ra thành hai xã Châu Phú A và Châu Phú B. Ngày 25-4-1979, theo Quyết định 181-CP của Hội đồng Chính phủ, xã Châu Phú A chuyển thành phường Châu Phú A cho đến ngày nay.

Từ thời vua Tự Đức trở về sau, công cuộc khẩn hoang được đẩy mạnh, dân số tăng lên. Năm 1901, dân số xã Châu Phú là 4.847 người. Năm 1970 là 40.209 người. Năm 2010, dân số phường Châu Phú A là 31.101 người. Năm 2023, dân số toàn phường là 6.362 hộ với trên 21.943 người (Theo niên giám Thống kê năm 2022).

Hiện nay, phường Châu Phú A có diện tích tự nhiên  là 5,243 km2, là phường trung tâm văn minh đô thị của thành phố Châu Đốc, gần khu vực biên giới Campuchia. Phường chia địa bàn dân cư 11 khóm nằm dọc theo sông Hậu và kênh Vĩnh Tế. Phía Đông giáp xã Đa Phước huyện An Phú, phía Tây giáp phường Núi Sam, phía Nam giáp phường Châu Phú B, phía Bắc giáp phường Vĩnh Nguơn.

Cư dân người Kinh cùng với người Hoa, người Chăm, Khmer đoàn kết, thương yêu xây dựng cuộc sống trong buổi đầu đầy khó khăn, khắc nghiệt. Trong tổng số dân, người Kinh chiếm đa số, người Hoa chiếm 20%, khoảng 5% là dân tộc Khmer, Chăm. Thành phần tôn giáo khá đa dạng, phần lớn theo đạo Phật, khoảng 25,8% theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành, Cao Đài và Công giáo. Toàn phường có 17 đình, chùa, thánh thất, miếu.

Nền kinh tế chính của phường Châu Phú A là dịch vụ - thương mại chiếm 52%, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp 3,6%, nông nghiệp 14,4%. Đặc biệt, phường có một số ngành nghề truyền thống như: làm mắm cá, làm khô bò, khô cá tra phồng…

Về văn hóa,  đình Châu Phú là di tích lịch sử gắn liền với quá trình mở đất và giữ đất của dân tộc ta hàng trăm năm, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1988 (Quyết định số 1288/VH.QĐ của Bộ Văn hóa ngày 16-11-1988).

Đình Châu Phú được xây dựng khoảng thời gian 1820 - 1828. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, phần An Giang tỉnh, có ghi: Đình Châu Phú do Thoại Ngọc Hầu dựng lên thờ danh thần khai quốc Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Khởi đầu, địa điểm đình ở khuôn viên đất tộc họ Lê Công (Nhà lớn) (đường Lê Lợi, phường Châu Phú B).

CHƯƠNG II

TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC

VÀ ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN CHÂU PHÚ A

1- Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Ngày 22-6-1867, tàu chiến Pháp tấn công chiếm thành Châu Đốc. Sau khi chiếm tỉnh lỵ Châu Đốc, Pháp tổ chức bộ máy cai trị từ tỉnh đến làng, xã. Các phong trào chống Pháp nơi đây chuyển hướng mang màu sắc thần bí như hốt thuốc trị bệnh, hoặc “Hội kín” theo kiểu “Thiên địa hội” Trung Quốc. Hàn lâm miếu ra đời thực chất là bàn về thời cuộc, chính trị.

Nhằm phục vụ chính sách khai thác thuộc địa, chính quyền thực dân Pháp mở mang xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 1876, cầu tàu, nhà lồng chợ được xây dựng, mở nhà dây thép do người Pháp chỉ huy, người Việt vào tập sự. Chợ trở thành trạm giao lưu hàng hóa, hành khách của các công ty tàu thủy tư bản Pháp trên sông Hậu; là tụ điểm thu mua lúa cho giới mại bản đưa về Chợ Lớn. Cơ sở xay xát lúa gạo được hình thành ở kênh miếu Ông Hàn (kênh Ông Cò).

Suốt những năm 1932 - 1945, tỉnh lỵ còn lại các đồng chí Trần Khôn, Vũ Hồng Đức, Võ Văn Huê, Trần Văn Vân, Minh, Lê Văn Cơ. Đồng chí Trần Khôn và Lê Văn Cơ mở quán hủ tiếu, cà phê ở đầu chợ (ngang rạp hát Lạc Thanh trước đây) để hoạt động đơn tuyến, nắm tình hình và tìm bắt liên lạc với cấp trên.

2- Kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bộ máy chính quyền và các đoàn thể được xây dựng ở xã Châu Phú.

Ngày 26-8-1945, tại thành Sơn Đá, đại đội cộng hòa vệ binh của tỉnh được thành lập, khoảng 200 người chia thành 5 trung đội do đồng chí Hùng Cẩm Hòa làm Tổng chỉ huy.

Tháng 9-1945, quân Nhật đi tàu lớn chở quân từ Campuchia xuống đổ bộ đánh chiếm thành Sơn Đá. Lực lượng ta đánh trả quyết liệt, bắn chết 7 tên Nhật, có 1 quan hai rồi lui dần về kinh Lò Heo. Không để cho địch lấn chiếm, ta liên tục bao vây, bắn phá, cắt đứt chi viện từ Campuchia xuống, đồng thời vận động nhân dân không nhóm chợ mua bán gây khó khăn cho địch. Bị vây hãm, không được tiếp tế, chi viện, quân Nhật buộc phải rút về Campuchia.

Ngày 20-1-1946, Pháp đánh chiếm tỉnh lỵ Châu Đốc. Ta thành lập mặt trận ở nhiều nơi trong nội ô để ngăn giặc, nhưng không đương nổi sức tấn công ồ ạt của quân Pháp, Trương Bỉnh Khiêm chỉ huy lực lượng rút về núi Sam. Tỉnh lỵ bị Pháp chiếm đóng.

Lợi dụng Hiệp ước sơ bộ 6-3-1946, Tỉnh ủy Châu Đốc chủ trương củng cố, gây dựng lại tổ chức, cơ sở quần chúng. Nơi nào có cơ sở quần chúng tốt, đủ điều kiện thì lập Ủy ban kháng chiến - hành chánh làng và tiến tới thành lập Mặt trận Việt Minh.

Tháng 8-1946, Ủy ban kháng chiến - hành chánh xã Châu Phú (tỉnh lỵ Châu Đốc) được thành lập, đồng chí Trương Văn Tý (Nguyễn Thành Sơn) làm Chủ tịch, Lê Kim Tâm (Lê Anh Dũng) làm Ủy viên tài chánh - cứu thương, Lê Công Tập (Khải Hoàn) làm Thư ký, Trương Quang Hường (Tư Triệu) làm Ủy viên xã hội, Phan Kim Xương (Tư Nữa) làm Ủy viên Quân sự... Ngoài ra, làng Châu Phú còn lập ủy ban ủng hộ kháng chiến hoạt động bí mật bên cạnh Mặt trận Việt Minh.

Qua hoạt động của cán bộ, đảng viên và các đoàn thể, ta từng bước xây dựng và củng cố cơ sở cách mạng trong nội ô. Nhờ có cơ sở, nhiều lần cán bộ, lực lượng công an xung phong tỉnh bám vào ăn ở và hoạt động:    đồng chí  Sĩ, Thân...

Là trung tâm đầu não chính quyền địch nên xã Châu Phú bị kềm kẹp, kiểm soát gắt gao. Bọn mật thám, làng lính luôn rình rập, lùng sục. Do đó, ta hoạt động rất khó khăn, liên lạc nhận chỉ thị của cấp trên không liên tục, thuận lợi. Vượt qua khó khăn, nguy hiểm, cán bộ, đảng viên từng lúc cũng bám về được hoạt động gây dựng cơ sở.

Đối phó lại âm mưu, chủ trương của địch, ta tổ chức nhiều tổ tuyên truyền ở nội thành. Các tổ hoạt động mạnh, 17 lần truyên truyền, xung phong vào chợ Châu Đốc, rải, dán truyền đơn, phân phát sách báo cách mạng cho các tiệm buôn và xưởng sửa chữa. Ta cũng xây dựng được các cơ sở dân quân phối hợp với lực lượng địa phương quân bên ngoài 6 lần đột nhập vào nội ô phục kích, khuấy rối địch.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Long Châu Hà, xã Châu Phú đẩy mạnh công tác Hòa Hảo vận, địch ngụy vận. Chú trọng tầng lớp lao động trí óc, lao động nghèo và học sinh, lấy công nhân, lao động trí óc làm nòng cốt của Mặt trận. Xây dựng, tổ chức cơ sở trong xã để thúc đẩy phong trào đô thị...

Hưởng ứng chiến dịch Điện Biên Phủ, cán bộ, đảng viên xã bám được địa bàn, bám được cơ sở, tuyên truyền tác động nhiều binh lính, bảo an đóng ở xã đào, rã ngũ; đẩy mạnh hoạt động phá hoại.

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève được ký kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Châu Phú, xã Châu Phú tiến hành sắp xếp, bố trí lực lượng đi tập kết và ở lại, chôn giấu vũ khí, chuẩn bị cơ sở chuyển hướng hoạt động bí mật.

3- Kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975)

Sau Hiệp định Genève, chính quyền Ngô Đình Diệm và lực lượng giáo phái giành giật nhau địa bàn cai trị. Tại xã Châu Phú, địch có: 1 đại đội bảo an, tổng đoàn dân vệ, tiểu đoàn khinh quân 508, tiểu đoàn Việt Nam 26 (BVN 26). Đến cuối năm 1954, có thêm tiểu đoàn 718 (người Nùng) miền Bắc di cư, lực lượng Cao Đài đóng 2 đồn bót, bên cạnh còn lực lượng Lâm thành Nguyên (Hai Ngoán) chiếm đóng rải rác.

Tỉnh lỵ Châu Đốc (xã Châu Phú) có vị trí, vai trò quan trọng, là vùng tiếp giáp với biên giới và Bảy Núi, địch tập trung lực lượng mạnh hòng phòng thủ biên giới và ngăn chặn sự tấn công của lực lượng cách mạng. Do đó, nhiều cán bộ chưa bị lộ được phân công ra tạo thế hợp pháp xây dựng cơ sở, hệ thống tổ chức nội ô và lãnh đạo phong trào chính trị đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đòi quyền lợi dân sinh dân chủ... Đến cuối năm 1954, Thị xã ủy Châu Đốc được hình thành gồm 4 đồng chí, do đồng chí Châu Văn Chê, Tỉnh ủy viên làm Bí thư.

Thực hiện chỉ đạo của Thị xã ủy, các chi bộ ra sức hoạt động, tiếp xúc quần chúng giáo dục tuyên truyền.

Chi bộ vùng chu vi Cao Đài đi sâu vận động giới công nhân lao động, các nghiệp đoàn ngành nghề. Một thời gian, ta đã xây dựng được các nghiệp đoàn: tài xế xe đò, xe lôi, khuân vác, lao động buôn bán, thợ may... vận động được số công nhân hãng rượu Vĩnh Phong Long.

Chi bộ nội ô đã xây dựng được lực lượng cảm tình như anh Trần Văn Cho (Hai Cho), Ba Tiến, Út Nhì trong nghiệp đoàn tài xế; anh Tư Cự trong nghiệp đoàn xe lôi; anh Phú, cô Nga trong nghiệp đoàn thợ may; ông giáo Tịnh, ông giáo Nguyên, ông Tư Thường, ông Nhựt Văn, ông Tám Tảo trong lực lượng trung gian; ông Phán Chu, ông Đốc Phúc trong công giáo chức; chị Bích, chị Hương... trong Hội truyền bá quốc ngữ; ông Dân Mậu, ông Bảy Tây... trong tiểu chủ. Số này hưởng ứng mọi chủ trương của chi bộ về đấu tranh dân sinh dân chủ. Ta còn tranh thủ vận động được ông Đỗ Hữu Lẽ, Chủ tịch liên hiệp các nghiệp đoàn tỉnh Châu Đốc, qua đó hướng dẫn các nghiệp đoàn đấu tranh như đòi tăng lương, tăng tiền công, giảm thuế...

Trước sự đánh phá ngày càng ác liệt của chính quyền địch, đặc biệt là Luật 10/59 đàn áp đẩm máu cán bộ cách mạng và nhân dân, thì tư tưởng vũ trang đánh địch trở nên mạnh mẽ trong cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân.

Đáp ứng yêu cầu đó, Nghị quyết 15 của Trung ương ra đời cho phép sử dụng vũ trang. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Châu Phú chuẩn bị đồng khởi, xã Châu Phú lập chi bộ do đồng chí Nguyễn Thị Đa (Tám Đa) làm Bí thư, cùng các đồng chí Ba Ứng, Nguyễn Thị Minh Tâm, Hai Lé, Vũ Ngọc Oanh,Tư Cự, Lê Thị Tiểng, La Thị Thu. Chi bộ phân công các đảng viên (hợp pháp) phụ trách khu vực. Đồng chí Hai Lé ở khu tiệm rượu Vĩnh Phong Long (ấp Châu Thạnh), Vũ Ngọc Oanh ở đường Núi Sam, Tư Cự khu chợ gà, La Thị Thu ở chợ Châu Đốc.

Ngày 2-9-1960, kỷ niệm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xã Châu Phú tổ chức treo cờ đỏ sao vàng, treo biểu ngữ trên các cây to ven đường hoặc cắm trên bè chuối thả trôi sông, đồng thời, rải truyền đơn trên các đường Nguyễn Trường Tộ, Thủ Khoa Nghĩa, đường Núi Sam, đường Cử Trị, rạp hát... Nội dung phản kháng thành lập sân bay Nhà Bàng; yêu cầu mở hiệp thương; thực hiện dân chủ bằng cuộc tổng tuyển cử; trả tự do cho những người bị bắt vì hoạt động chính trị...

Từ cuối năm 1961, chính quyền An Giang tiến hành âm mưu bình định trong việc thực hiện quốc sách gom dân lập ấp chiến lược để kềm dân, tách dân ra khỏi Đảng, cô lập và tiêu diệt lực lượng cách mạng. Xã Châu Phú là một trong những thí điểm xây dựng ấp chiến lược của huyện Châu Phú với các ấp Châu Thạnh, Châu Quới,… Hỗ trợ cho xây dựng ấp chiến lược là các chiến dịch “xây dựng nông thôn”, “Bình định và chiêu an” song song với kế hoạch an ninh, xây dựng mạng lưới tình báo sâu rộng kết hợp với chiêu hồi, chiêu hàng đánh vào cơ sở cách mạng. Địch sử dụng tên Bé Dũng đầu hàng, theo dõi chỉ điểm đánh phá cơ sở ở trong xã. Trên địa bàn xã Châu Phú còn có 2 tiểu đội cảnh sát, hiến binh, công an và 1 tổng đoàn dân vệ.

Các hoạt động liên tục của quân giải phóng làm chính quyền địch hoang mang. Chúng gấp rút đề kế hoạch đối phó: tổ chức tình báo viên và mạng lưới tình báo nhân dân theo dõi những người tình nghi, đồng thời lập nhiều toán nhân viên kiểm tra dân số, phân loại dân chúng. Tất cả đều nhằm ngăn chặn lực lượng cách mạng xâm nhập vào thị xã Châu Đốc.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Thị xã ủy củng cố tổ chức trở thành Ban cán sư, tập trung sức chống phá bình định, đề kế hoạch chuyển thế phong trào quần chúng ấp Châu Thới (khu 2) phường 2, 3, 5, (khu 3). Ấp điểm Châu Thới 3 từ loại 3 lên loại 2; Châu Thới 2 (khu 2), phường 4 đường Nguyễn Đình Chiểu (khu 3) từ loại 4 lên loại 2; ấp Châu Quới 1, Châu Quới 2, Châu Quới 3 (khu 2) từ loại trắng lên loại 4.

Sau khi xã Châu Phú được hoàn toàn giải phóng, chi bộ xã được hình thành, có 7 đảng viên do đồng chí Vũ Hồng Việt làm Bí thư. Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của chi bộ là xây dựng bộ máy chính quyền ấp; nhanh chóng ổn định tình hình tư tưởng nhân dân, tuyên truyền, giải thích đường lối chính sách của Đảng và chính quyền cách mạng trong nhân dân, mặt khác thông qua các gia đình cách mạng, gia đình cơ sở nuôi chứa cách mạng trong kháng chiến làm công tác vận động, nhằm làm cho nhân dân thông hiểu chủ trương chính sách của cách mạng để họ yên tâm lao động sản xuất và sinh hoạt bình thường. Đồng thời tăng cường giữ vững an ninh trật tự, kêu gọi số người tham gia chế độ cũ ra trình diện và có biện pháp trừng trị số phần tử ngoan cố, tàng trữ vũ khí, hoạt động chống phá cách mạng. 

Từ phong trào hành động cách mạng của quần chúng, chi bộ chọn ra những thành phần cốt cán bổ sung cho bộ máy chính quyền, đồng thời là nguồn lực bổ sung cho Đảng. Chi bộ đã kết nạp được 21 đảng viên.

 

 

CHƯƠNG III

PHƯỜNG CHÂU PHÚ A XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

(1976 - nay)

 

I- CHÂU PHÚ A HÌNH THÀNH, XÂY DỰNG KINH TẾ XÃ HỘI, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN (1976 - 1985)

Sau khi lập lại tỉnh An Giang, tháng 2-1976, xã Châu Phú tách ra thành lập 2 xã Châu Phú A và Châu Phú B. Xã Châu Phú A gồm các ấp: Châu Thạnh 1, Châu Thạnh 2, Châu Thạnh 3, Châu Thạnh 4, Châu Thạnh 5, Châu Quới 1, Châu Quới 2, Châu Quới 3…  

Trên địa bàn mới, chi bộ Châu Phú A được hình thành do đồng chí Vũ Hồng Việt làm Bí thư, đã tập trung giải quyết vấn đề ruộng đất, phát động phong trào “nhường cơm sẻ áo”, quy hoạch hệ thống thủy lợi, tăng diện tích lúa 2 vụ; xóa mù chữ, bài trừ tệ nạn xã hội; tuyên truyền trong nhân dân về ý nghĩa, mục đích và yêu cầu của việc bầu cử Quốc hội thống nhất cả nước (25-4-1976).

Nhằm ổn định xã hội, ổn định đời sống nhân dân, vì tình trạng kinh tế khó khăn, thị xã đưa một số Việt kiều hồi hương cùng người tại chỗ về vùng kinh tế mới để tăng gia sản xuất. Xã Châu Phú A đưa đi 453 người, nhưng một thời gian, điều kiện khó khăn, sống không nổi họ trốn trở về địa phương.

Phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhân dân xã Châu Phú A đã cùng nhân dân thị xã tham gia phong trào thủy lợi, đào vét kinh mương, đắp đê… Riêng chi bộ, chính quyền đã huy động nhân dân trong xã đắp lộ Trường Đua dài 365m và đắp nền trường học cho ấp Châu Thới 2 với trên 2.900 lượt người.

Về thương nghiệp, các ấp trong xã tổ chức được 1 hợp tác xã mua bán nhằm đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

Trong khí thế chung sau ngày giải phóng, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ được tổ chức. Xã lập được đội văn nghệ nghiệp dư của ấp.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, xã thành lập ban y tế và các ấp có tổ y tế thực hiện việc khám và chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. 

Trong lúc chi bộ, chính quyền xã cùng nhân dân ổn định trật tự xã hội, khôi phục sản xuất, thì quân Pôn Pốt tấn công vào các xã biên giới Tây Nam gây ra cuộc chiến tranh lấn chiếm (4-1977). Địa bàn Châu Phú A là trọng điểm địch bắn phá và đột nhập vào phá hoại. Do đó, chi bộ phải chuyển hướng nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình thực tiễn là: một mặt, ra sức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đảm bảo yêu cầu chiến đấu tại chỗ, xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ biên giới, chủ động các phương án bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Mặt khác, duy trì sản xuất và trấn áp các tổ chức phản cách mạng.

Thời điểm  này, truyền thống yêu nước của nhân dân được khơi dậy mạnh mẽ thông qua việc vận động thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc; tổ chức bám trụ cùng bộ đội chủ lực chiến đấu, tham gia dân công hỏa tuyến, đóng góp nhân lực, chông, cọc xây dựng tuyến biên giới.

Năm 1978, Đại hội chi bộ xã Châu Phú A lần thứ I được tổ chức. Đại hội bầu ra Ban Chi ủy gồm 5 đồng chí, đồng chí Dương Thị Nhân được bầu làm Bí thư chi bộ.

Cũng trong năm 1978, thực hiện Nghị quyết của Đại hội, chi bộ lãnh đạo nhân dân cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách để khôi phục nền kinh tế từ sản xuất nông nghiệp là chính.

Về văn hóa, xã phổ biến kịp thời, nhanh chóng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ra nhân dân.    

Mặc dù tình hình an ninh nội địa khá phức tạp, ảnh hưởng chiến tranh biên giới, chi bộ kịp thời chỉ đạo chính quyền kết hợp các đoàn thể truy quét các đối tượng chính trị và hình sự, đã bắt giữ 15 đối tượng chính trị, 259 đối tượng hình sự.

Thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, xã giải quyết tốt các thủ tục hồ sơ cho các gia đình thương binh liệt sĩ, kết hợp chặt với chính quyền và các đoàn thể cứu trợ những gia đình khó khăn trong mùa nước lũ.

Công tác y tế phục vụ đạt yêu cầu và kịp thời chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt chức năng người thầy thuốc trong việc điều trị bệnh cho nhân dân.

Chính quyền từ xã đến ấp thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, thi hành nghĩa vụ quân sự, xây dựng lực lượng dân quân, thể hiện tốt vai trò điều hành, quản lý xã hội.

Công tác vận động quần chúng, Mặt trận và các đoàn thể thể hiện tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào cách mạng.

Nông hội phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào sản xuất, đẩy mạnh công tác cải tạo nông nghiệp, tập hợp được đại đa số nông dân và các tổ đoàn kết sản xuất, nhằm từng bước xây dựng hợp tác xã nông nghiệp.

Đoàn thanh niên phát huy mạnh mẽ phong trào 3 xung kích làm chủ tập thể của thanh niên, dấy lên phong trào thanh niên tham gia sôi nổi vào lao động sản xuất, thi hành nghĩa vụ quân sự…

Hội Liên hiệp phụ nữ tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong hội viên, làm cốt cho các phong trào: thi hành nghĩa vụ quân sự, lao động sản xuất…

Công tác xây dựng Đảng, chi bộ duy trì hội nghị thường xuyên. Trong sinh hoạt, chi bộ quan tâm và đẩy mạnh công tác tự phê bình trong Đảng, tăng cường đoàn kết thống nhất cao trong nội bộ, ra sức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

Ngày 25-4-1979, theo quyết định của Hội đồng Chính phủ, xã Châu Phú A chuyển thành phường Châu Phú A thuộc thị xã Châu Đốc.

Năm 1981, Đại hội chi bộ phường Châu Phú A lần thứ II nhiệm kỳ 1981 - 1982 được tổ chức, đồng chí Dương Thị Nhân được tái đắc cử Bí thư chi bộ. Từ Đại hội nhiệm kỳ III (1982 - 1983), nhiệm kỳ IV (1983 - 1984), nhiệm kỳ V (1985 - 1986), đồng chí Phạm Văn Công làm Bí thư chi bộ.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, phường tập trung sản xuất nông nghiệp. Từ khi phường thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, sản xuất nông nghiệp chuyển biến đáng kể, tập đoàn sản xuất nông nghiệp số 1 phường được Nhà nước tuyên dương “Đơn vị Anh hùng”.

Thương nghiệp cũng được mở rộng gồm 28 cửa hàng, hoạt động khá tốt phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Nhìn chung, trong 9 năm từ khi thành lập xã rồi lên phường, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu vượt qua những khó khăn buổi đầu vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới, để từng bước xây dựng và phát triển trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Sản xuất có chuyển biến từ 1 vụ lúa mùa nổi lên 2 vụ, sản lượng không ngừng tăng lên. Đời sống nhân dân bước đầu được ổn định.

II- PHƯỜNG CHÂU PHÚ A THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG (1986 - nay)

1- Giai đoạn 1986 - 2000

Tháng 1-1986, phường Châu Phú A tổ chức Đại hội chi bộ lên Đảng bộ phường lần thứ VI nhiệm kỳ 1986 - 1987. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 9 đồng chí, đồng chí Phạm Văn Công được tái đắc cử Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Ba - Phó Bí thư, Đường Văn Xường - Ủy viên Thường vụ, Đoàn Thị Ngọc, Lê Thị Phiến, Nguyễn Thị Yến, Nhâm Quí Lục, Trần Văn Cần, Phạm Tấn Tài.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội gắn với thực hiện Nghị quyết 32, 34 của Thị ủy và tinh thần chủ trương 3 chương trình kinh tế lớn là lương thực - thực phẩm - hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, phường đề ra nhiều biện pháp tổ chức làm cho sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chuyển biến tích cực, đồng thời chủ động phát triển các ngành nghề như: da thuộc xuất khẩu, gạch nung, sản phẩm gia dụng bằng nhựa tái sinh…

Việc thực hiện theo Quyết định 303 và Chỉ thị 22 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh ruộng đất, tiến hành giao đất ruộng cho nông dân trực tiếp canh tác… đã tạo phấn khởi, tăng thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước

Công tác giáo dục, phường đã thực hiện phổ cập cấp I trong nhân dân.

Theo tinh thần Nghị quyết năm 1987 của tỉnh, Đảng ủy tiến hành xây dựng phường là cấp có kế hoạch, ngân sách và đã tự lực được ngân sách, có vốn chi xây dựng khá.

Công tác vận động quần chúng, phường chủ trương tuyên truyền, vận động nhân dân bỏ vốn đầu tư sản xuất, khắc phục những mặt trì trệ, yếu kém trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, từng bước hình thành quan hệ sản xuất phù hợp qui luật khách quan nhằm thúc đẩy sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp.

Phát huy mạnh mẽ phong trào quần chúng tự quản về an ninh trật tự, phường chuyển các ban khóm thành ban nhân dân tự quản theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đảng ủy phường tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 01 của Ban Bí thư và Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị về cuộc vận động làm trong sạch, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, đồng thời kết hợp với công tác kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng. Công tác tổ chức, Đảng bộ có 7 chi bộ trực thuộc, trong nhiệm kỳ đã phát triển được 28 đảng viên.

Năm 1989, Đại hội Đảng bộ phường lần thứ VII nhiệm kỳ 1989 - 1991 được tổ chức. Đồng chí Phạm Văn Công tái đắc cử Bí thư, sau đó đồng chí Phạm Tấn Tài thay làm Bí thư. Đến tháng 10-1990, đồng chí Nguyễn Hoài Bắc được quyết định giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ lần thứ VII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Châu Đốc lần thứ V, hơn 2 năm, dù gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy với những chủ trương và biện pháp thích hợp, toàn Đảng bộ và nhân dân Châu Phú A đã nỗ lực phấn đấu, tạo được sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.

Đảm bảo cho nông dân ổn định sản xuất, phường đã tiến hành đo đạc và thực hiện xong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cân đối thu, chi ngân sách cho những yêu cầu chi thường xuyên. Tập trung đầu tư cho xây dựng cơ bản từ 25 - 30% thu ngân sách để xây dựng và sửa chữa các công trình sự nghiệp giáo dục, y tế và những công trình phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Thực  hiện chính sách xã hội, phường đã kịp thời giải quyết những khó khăn trong đời sống nhân dân và đối tượng chính sách từ nguồn Quỹ bảo trợ xã hội và Quỹ tín dụng tình thương. Qua đó đã cấp 13,5 triệu đồng cất mới và sửa chữa 13 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 34 căn nhà, trợ cấp thường xuyên cho 07 trẻ mồ côi, 34 cụ già neo đơn, không nơi nương tựa, giúp đỡ 535 trường hợp hộ nghèo khó khăn và cho 242 hộ vay vốn sản xuất.

Công tác giáo dục cũng được quan tâm, nâng cấp và cất mới 17 phòng học, trị giá trên 100 triệu đồng, dứt điểm tình trạng học ca ba. Đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Cũng từ nguồn Quỹ bảo trợ xã hội đã hỗ trợ trên 1,5 triệu đồng mua tập, viết cấp cho 186 đối tượng học sinh nghèo, trẻ em không có điều kiện đến trường. Đồng thời, tổ chức các lớp học tình thương để phổ cập cấp I và xóa mù chữ cho các em. Đã tổ chức 4 lớp gồm 184 học viên.

Trạm y tế thực hiện tốt các chương trình y tế cộng đồng như tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng ngừa dịch bệnh. Hội y học dân tộc và Chữ thập đỏ đã tổ chức 3 đợt khám và điều trị bệnh miễn phí cho trên 20.000 lượt người. Riêng trong mùa lũ, đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí với kinh phí trên 1,4 triệu đồng, cấp trên 1 tấn gạo cho những hộ thiếu đói.

Những công trình phúc lợi công cộng phục vụ lợi ích nhân dân được chú trọng hơn. Phường xây dựng 05 bồn nước công cộng phục vụ nước sinh hoạt, tu sửa, đổ đất và trải cát 08 tuyến lộ liên khóm dài trên 4.000m, kinh phí 16 triệu đồng. Đầu tư thực hiện, hoàn thành công trình mở rộng mặt bằng chợ cá, kinh phí 414 triệu đồng.

Đời sống nhân dân được nâng lên, có 34,2% hộ khá, 56% hộ trung bình, 19,7% hộ nghèo. Một bộ phận nhân dân có mức thu nhập ổn định, xây dựng nhà khang trang.

An ninh quốc phòng, cùng với việc chuyển các ban nhân dân khóm thành ban nhân dân tự quản, phường đã xây dựng được mô hình mới trong việc bảo vệ trật tự an toàn xã hội, nhất là trong việc phòng ngừa và tấn công tội phạm theo Chỉ thị 135 của Hội đồng Bộ trưởng. Phong trào nhân dân tự quản của phường được báo cáo điển hình toàn quốc, được Bộ Nội vụ tặng bằng khen và công nhận đơn vị khá nhất.

Công tác củng cố và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ được chủ động thực hiện thường xuyên. Bằng nguồn quỹ quốc phòng tại chỗ, đã đảm bảo tự lực và tích lũy, trang bị nhiều cơ sở vật chất cho đơn vị. Công tác gọi thanh niên nhập ngũ hàng năm đều đạt chỉ tiêu trên giao, giữ vững thành tích 15 năm liền.

Ủy ban Mặt trận vận động đưa vào Quỹ bảo trợ xã hội trên 74 triệu đồng, giúp cho nhiều trường hợp hộ nghèo khó khăn và đối tượng chính sách trên 42 triệu đồng. Bên cạnh, Mặt trận còn thực hiện tốt chính sách đoàn kết tôn giáo, dân tộc của Đảng.

Hội nông dân có nhiều hoạt động tích cực phục vụ việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời có nhiều hoạt động thiết thực vận động tương trợ trong nội bộ nông dân và giúp vốn sản xuất.

Hội Liên hiệp phụ nữ thực hiện hiệu quả 2 cuộc vận động lớn của Hội là giúp nhau làm kinh tế gia đình và nuôi dạy con tốt. Từ đó đã giúp đỡ cho nhiều chị em gặp khó khăn và trẻ em suy dinh dưỡng, đồng thời tham gia tích cực vào chương trình kế hoạch hóa dân số.

Đoàn Thanh niên tổ chức nhiều loại hình sinh hoạt phục vụ các yêu cầu nhiệm vụ chính trị như: vận động thanh niên nhập ngũ, phát động thanh niên chống buôn lậu, chăm sóc trẻ mồ côi, tham gia cất nhà tình nghĩa, tổ chức các lớp học tình thương cho trẻ em không có điều kiện đến trường. Phong trào đoàn viên thanh niên trong trường học đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục.

Hoạt động của Hội y học dân tộc và Chữ thập đỏ có chuyển hướng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng ven., tổ chức nhiều đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho nhân dân các khóm có nhân dân lao động nghèo.

Hội Cựu chiến binh thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các hội viên trong việc gương mẫu thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hoạt động của Đại biểu Hội đồng nhân dân phường trong 2 năm có chuyển biến khá rõ thông qua Ban thư ký điều hành hoạt động. Những kiến nghị chính đáng của cử tri được thực hiện tương đối kịp thời. Các kỳ họp được duy trì đúng quy chế.

Hiệu lực quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân phường ngày càng chuyển biến khá rõ về chất, đáp ứng yêu cầu chăm lo và tạo điều kiện phát triển trên lĩnh vực kinh tế - xã hội và giữ vững kỷ cương xã hội.

Trong phong cách lãnh đạo, Đảng ủy luôn coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đó là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất, chỉ đạo mọi hoạt động, tổ chức, sinh hoạt và phong cách làm việc.

Ngày 22-11-1991, Đại hội Đảng bộ phường lần thứ VIII nhiệm kỳ 1991 - 1993 được tổ chức, có 97 đảng viên (1 dự bị) dự. Đại hội đã thông qua báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa VII và đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 1993 là: tiếp tục ổn định về chính trị trên cơ sở ổn định về kinh tế - xã hội, trước hết là đẩy mạnh phát triển sản xuất nhằm cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí: Nguyễn Hoài Bắc, Huỳnh Văn Hiếu, Lê Văn Lộc, Đỗ Thành Nam, Chung Văn Phú, Huỳnh Thị Ngọc Trân, Trần Văn Xây, Đường Văn Xường và Nguyễn Văn Xương; bầu Ban Thường vụ gồm 3 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hoài Bắc được tái đắc cử Bí thư, đồng chí Chung Văn Phú, Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, đồng chí Đường Văn Xường - Ủy viên Thường vụ.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII, Đảng bộ phường lãnh đạo nhân dân phấn đấu khắc phục khó khăn đạt được những thành tựu quan trọng.

Mặc dù chưa có chủ trương của Thị xã ủy, nhưng Đảng ủy mạnh dạn chỉ đạo sản xuất thử nghiệm vụ Thu Đông (vụ 3) 96 ha thuộc tổ liên kết sản xuất 1 và 2. Bằng ngân sách hiện có và vận động nông dân đóng góp mỗi đầu công 20.000 đồng, phường đã đầu tư hoàn chỉnh đê bao, hệ thống cống, bửng, đảm bảo sản xuất trong thực hiện tăng vụ và đã thành công. Đó là nhờ sự quyết tâm, đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm của Đảng ủy. 

Năm 1993, phường Châu Phú A tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ IX nhiệm kỳ 1993 - 1995. Đồng chí Nguyễn Hoài Bắc được tái đắc cử Bí thư Đảng ủy, đồng chí Chung Văn Phú, Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

Đại hội đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 1995, trọng tâm là “Phát triển dịch vụ, thương mại và các ngành tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng bước trong sản xuất nông nghiệp”, trong nhiệm kỳ, Đảng bộ đã chỉ đạo, lãnh đạo nhân dân nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tìm ra biện pháp tốt để đạt được kết quả khả quan.

Dịch vụ, thương mại có phát triển, từ 2.302 hộ (1996) tăng lên 2.613 hộ. Riêng các hộ mua bán nhỏ đến thời vụ lễ, hội có lúc tăng lên từ 500 hộ đến 700 hộ.

Tiểu thủ công nghiệp, do Nhà nước khuyến khích và cho vay vốn khá lớn nên đã phát triển khá tốt, nhất là các ngành nghề truyền thống địa phương như làm mắm, cá tra phồng… Đến giữa năm 2000, toàn phường phát triển 330 cơ sở với 744 lao động, trong đó có 7 doanh nghiệp tư nhân với 51 lao động.

Sản xuất nông nghiệp có nhiều khởi sắc, tiếp tục phát triển tốt về năng suất, sản lượng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khuyến khích nông dân đầu tư khai thác tốt tiềm năng đất đai trong sản xuất. Từ hệ số vòng quay đất từ 2,29 lần (1996) tăng lên 3 lần/năm (2000).

2- Giai đoạn 2001 - 2010

Năm 2001, phường Châu Phú A tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ XI nhiệm kỳ 2001 - 2005. Đồng chí Lâm Quốc Dũng được tái đắc cử Bí thư Đảng ủy. Tháng 3-2002, đồng chí Lâm Quốc Dũng được Thị xã ủy điều động làm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thị ủy, đồng chí Chung Văn Phú được quyết định thay làm Bí thư Đảng ủy.

Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ phường phát huy thế mạnh chợ trung tâm thị xã, nơi có nhiều khách du lịch tham quan mua sắm quanh năm, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch như: khách sạn, nhà trọ, cửa hàng ăn uống, sắp xếp các điểm mua bán hàng đặc sản… Từ năm 2003, Ủy ban nhân dân thị xã Châu Đốc bàn giao chợ trung tâm cho phường quản lý. Từng bước, phường củng cố, ổn định trật tự và đổi mới cung cách phục vụ, tạo thuận lợi cho việc đi lại, mua sắm, thu hút đông khách du lịch, nhất là vào lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam và Tết Nguyên Đán. Năm 2004, chợ trung tâm được thị xã công nhận đạt danh hiệu chợ trật tự - an toàn - vệ sinh.

Khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, phường hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính đi đôi với phổ biến chủ trương, chương trình khuyến công của Nhà nước. Trong 5 năm, toàn phường phát triển 12 cơ sở, thu hút 59 lao động, chủ yếu là các ngành nghề sửa chữa cơ khí. Hầu hết các cơ sở đã đầu tư đổi mới thiết bị, cải tiến mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Một số cơ sở đã thành doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã cũng được quan tâm chú trọng và khuyến khích phát triển, áp dụng nhiều chương trình khuyến nông, thực hiện 3 giảm 3 tăng, góp phần nâng cao thu nhập từ 20% - 35%, cá biệt có hộ 40%. Sản lượng bình quân 45 triệu đồng/ha.

Về ngân sách, tổng thu 9.231 triệu đồng, tổng chi 8.237 triệu đồng, tập trung chi cho đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, như hoạt động giáo dục, nâng cấp các tuyến đường nội ô, xây dựng cơ sở hạ tầng gồm 15 công trình, 31 căn nhà tình nghĩa, trụ sở Phường đội, cải tạo, sửa chữa nhà lồng chợ trung tâm, văn phòng Ủy ban nhân dân phường, trạm truyền thanh tổng kinh phí 2.134 triệu đồng, kéo điện thắp sáng công cộng cho tuyến dân cư khóm 8, đường Vĩnh Phú và một đoạn đường Cử Trị nối dài.

Công tác giáo dục, mở lớp phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Cơ sở vật chất, trường lớp ngày càng khang trang, đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Năm 2004, đạt thêm chuẩn phổ cập giáo dục đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Trường tiểu học Nguyễn Huệ đạt chuẩn quốc gia. Hoạt động của Hội khuyến học và trung tâm học tập cộng đồng được đẩy mạnh.

Công tác y tế, phường thực hiện đầy đủ các chương trình y tế quốc gia. Trạm y tế kết hợp với hội đông y thường xuyên tổ chức khám chữa bệnh miễn phí và làm công tác xã hội từ thiện chữa bệnh bằng thuốc nam, châm cứu… cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng ven, đảm bảo nhân dân ổn định cuộc sống.

Công tác an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hàng năm đảm bảo công tác tuyển quân đạt chỉ tiêu trên giao.

Phường tổ chức cuộc bầu cử hội đồng nhân dân 3 cấp đúng theo luật định. Hội đồng nhân dân thể hiện tốt vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; tổ chức các kỳ họp theo luật định. Ý kiến của cử tri luôn được đưa ra nghị sự trong các kỳ họp.

Ủy ban nhân dân phường có 5 thành viên, 4 chức danh đã được chuyên môn hóa. Toàn phường có 9 cán bộ chuyên trách, 7 cán bộ công chức và 29 cán bộ không chuyên trách.

Tháng 5-2004, bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” đi vào hoạt động trên các lĩnh vực và đạt hiệu quả đáng kể. Tinh thần trách nhiệm của cán bộ được nâng cao trong việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết đơn thư của nhân dân, thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đúng thời gian quy định, không nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân. Từ đó, đã tạo được lòng tin của nhân dân vào việc thực hiện cải cách hành chính ở địa phương.

Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được triển khai rộng khắp. Đến năm 2005, toàn phường có 11/11 khóm đạt chuẩn khóm văn hóa, có 5.596 hộ đạt gia đình văn hóa, 45 tổ văn hóa tiên tiến.

Qua nguồn quỹ vận động được trong nhân dân, phường đã cất mới 77 căn nhà đại đoàn kết, trị giá 150 triệu đồng; trợ cấp 45 triệu đồng cho 512 lượt hộ nghèo vui xuân; trợ cấp 43 triệu đồng cho 131 thanh niên lên đường nhập ngũ. Quỹ xã hội từ thiện hỗ trợ 157 triệu đồng cho 230 trường hợp, quỹ khuyến học 31 triệu đồng.

Đảng ủy phường thực hiện tốt chính sách tôn giáo, hướng dẫn hoạt động tôn giáo và tu hành theo đúng quy định của Nhà nước. Mối quan hệ giữa Mặt trận, chính quyền và tôn giáo ngày càng thông hiểu, gắn bó hơn. Các chức sắc tôn giáo tham gia tốt các hoạt động xã hội ở địa phương.

Đối với dân tộc, Đảng ủy phường duy trì, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng người Hoa, phát huy thế mạnh của người Hoa trong sản xuất, dịch vụ, thương mại, du lịch nhằm phát triển kinh tế của phường và thị xã.

Công đoàn cơ sở phường được thành lập từ tháng 9-2004 với 16 công đoàn viên, tiếp tục được củng cố và phát triển, đảm bảo công tác chăm lo cho công đoàn viên vào các dịp lễ tết.

Hội phụ nữ phường đẩy mạnh phong trào giúp nhau làm kinh tế gia đình được phát triển rộng ở các tổ hội. Qua đó, Hội kết nạp 2.063 hội viên mới.

Đoàn thanh niên thực hiện các chương trình công tác Đoàn còn lồng ghép các nội dung “Tháng thanh niên”, “50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Tháng an toàn giao thông”…, đã tạo bước chuyển biến tích cực, thu hút nhiều thanh niên tham gia. Qua đó, Đoàn phường kết nạp 743 đoàn viên.

Hội cựu chiến binh với phong trào hùn vốn giúp nhau làm kinh tế gia đình được duy trì và phát triển.

Hội nông dân vận động nông dân tham gia các hoạt động xã hội, từng bước nâng cao mức sống và sinh hoạt ở khu vực nông thôn.

Công tác xây dựng Đảng, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu quyết định đến phẩm chất, đạo đức, chất lượng công tác của cán bộ, đảng viên nên luôn triển khai học tập cho cán bộ, đảng viên về chủ trương, chính sách, nghị quyết… của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được, ngày 26-7-2005, phường Châu Phú A tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ XII nhiệm kỳ 2005 - 2010. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành 14 đồng chí, Ban Thường vụ 4 đồng chí. Đồng chí Lê Bá Thiện được đắc cử chức vụ Bí thư Đảng ủy, đồng chí Huỳnh Văn Hiếu làm Phó Bí thư, đồng chí Trương Thanh Phong làm Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, đồng chí Lý Văn Hồng làm Ủy viên Thường vụ Đảng ủy.

Dưới sự lãnh đạo quyết tâm của cả hệ thống chính trị, qua 5 năm đoàn kết phấn đấu vượt mọi khó khăn thực hiện Nghị quyết của Đại hội, Đảng bộ và nhân dân phường Châu Phú A đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Dịch vụ - thương mại - du lịch có nhiều chuyển biến. Chợ trung tâm thị xã vẫn duy trì danh hiệu chợ đạt chuẩn trật tự - an toàn - vệ sinh. Nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của khách du lịch và nhân dân địa phương trong những ngày cao điểm diễn ra lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Tết Nguyên Đán, Đảng ủy tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ phát triển. Văn minh thương mại từng bước được chấn chỉnh, khu vực chợ trung tâm phục vụ tốt nhu cầu của du khách và tiêu dùng của nhân dân.

Tiểu thủ công nghiệp, sự hỗ trợ về vốn vay đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất và dễ dàng trong thủ tục hành chính đã tạo điều kiện cho ngành nghề phát triển. Đến năm 2010, toàn phường có 628 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, tăng 59 cơ sở so với đầu nhiệm kỳ. Các mặt hàng truyền thống là mắm, khô cá tra phồng, lạp xưởng…

Sản xuất nông nghiệp, phường nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, áp dụng nhiều chương trình khuyến nông như 1 phải 5 giảm… góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên từ 30% - 40%. Giá trị sản xuất bình quân 63 triệu đồng/ha. Lợi nhuận thu về 360.142.554 đồng, chia lãi cho xã viên 60.085 đồng/cổ phần (mệnh giá cổ phần 114.625 đồng). Chăn nuôi tuy có phát triển, nhưng do tình hình thị trường và thực tế tại địa phương nên hiệu quả không cao.

Phường tiếp tục thực hiện cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp được 704 thửa, còn lại 121 thửa do tranh chấp và không thuộc trường hợp cấp, đổi.

Tổng thu ngân sách 22,911 tỷ đồng, trong đó các nguồn thu tại địa phương như thu phí, lệ phí đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Tổng chi ngân sách 22,848 tỷ đồng. Tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển bình quân hàng năm 23%.

Từ nguồn tích lũy ngân sách, phường đầu tư xây dựng 30 công trình xây dựng cơ bản như: xây dựng văn phòng 11 khóm, cải tạo, nâng cấp hội trường Đảng ủy, văn phòng công an phường, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động cho khóm và trường học, mua sắm thiết bị truyền thanh… với tổng kinh phí thực hiện 5.129.479.398 đồng.

Phường còn vận động nhân dân thực hiện 59 công trình bê tông hóa hẽm công cộng, cống nước thải sinh hoạt… theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, kinh phí thực hiện 1.531.379.197 đồng, trong đó nhân dân đóng góp 120.316.000 đồng. Bên cạnh, từ nguồn đầu tư của trên, phường đã thực hiện các công trình như: khu công viên Thoại Ngọc Hầu, biệt thự nhà vườn, nhà máy cấp nước, đường dẫn cầu Cồn Tiên, bệnh viện thị xã, san lấp kinh Ông Cò và cải tạo nâng cấp đường Trường Đua, đường Cử Trị, đường Nguyễn Văn Thoại.

Phường làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp, đảm bảo duy trì sĩ số. Trong 5 năm, từ ngân sách các cấp đã đầu tư 1.725.835.000 đồng cho việc sửa chữa trường lớp. Công tác phổ cập giáo dục, chống mù chữ đạt chuẩn quốc gia hàng năm. Hội khuyến học tổ chức vận động 82.719.500 đồng, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường.

Trạm y tế phường được xây dựng mới, đảm bảo phương tiện khám, chữa bệnh cho nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh. Đến năm 2010, phường có 5/11 khóm được công nhận khóm sức khỏe. Số trẻ hàng năm được tiêm chủng mở rộng đạt từ 98% - 100%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hạ từ 16,22% còn 15,11%, tỷ lệ tăng dân số hàng năm đều giảm từ 1,19% còn 1,14%. Trong 5 năm liền (2005 - 2010), trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.

Phong trào văn nghệ quần chúng được củng cố và phát triển mạnh theo hướng xã hội hóa. Công tác kiểm tra các loại hình hoạt động văn hóa được tổ chức thường xuyên. Các hoạt động thể dục thể thao thực hiện tốt phương châm xã hội hóa như: đội cầu lông, cầu đá, câu lạc bộ cờ tướng và sân bóng chuyền.

Đảng ủy thường xuyên quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, người già và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Phường cất mới 6 căn nhà tình nghĩa với tổng giá trị 167.429.000 đồng, sửa chữa 51 căn, tổng giá trị 316 triệu đồng.

Phường thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, quan tâm công tác xóa đói giảm nghèo. Đến năm 2010, phường đã giới thiệu vay vốn 75,595 tỷ đồng; kết hợp với trường trung cấp nghề mở 14 lớp với 197 học viên. Sau khi ra nghề, đa số có việc làm, thu nhập ổn định. Phường còn giới thiệu 46 người đi lao động nước ngoài. Phần lớn các lao động có việc làm tốt, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

An ninh quốc phòng, Đảng ủy tập trung thực hiện các mặt công tác quốc phòng địa phương, tổ chức diễn tập vận hành cơ chế trong tác chiến trị an và huấn luyện. Lực lượng dân quân có 350 cán bộ, chiến sĩ (đạt 1,12% dân số), luôn chủ động sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia. Thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội, giúp dân, phòng chống lụt bão.

Trong nhiệm kỳ, có 99 thanh niên lên đường nhập ngũ, đạt 100% chỉ tiêu trên giao, trong đó có 1 đảng viên. Năm 2010, phường có 317 sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ. Công tác giáo dục quốc phòng an ninh thực hiện có hiệu quả, chất lượng ngày được nâng lên. Đảng ủy quan tâm phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh quốc phòng. Hệ thống giao thông hào, trạm quan sát phòng không tại cơ quan quân sự phường được xây dựng vững chắc.

Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Lực lượng công an quản lý, giáo dục 294 đối tượng theo Nghị định 163/CP của Chính phủ, xóa các tụ điểm ma túy, băng nhóm gây rối trật tự và những điểm tập kết hàng lậu. Thực hiện Nghị định 38/CP, Ban bảo vệ dân phố được thành lập gồm 80 thành viên, góp phần bảo vệ tình hình an ninh chính trị.

Tháng 5-2010, Đảng bộ phường Châu Phú A tổ chức Đại hội lần thứ XIII nhiệm kỳ 2010 - 2015. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành 17 đồng chí, bầu Ban Thường vụ 5 đồng chí gồm: đồng chí Lê Bá Thiện được tái đắc cử Bí thư, đồng chí Huỳnh Văn Hiếu làm Phó Bí thư, đồng chí Trương Thanh Phong làm Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, đồng chí Nguyễn Văn Thanh - Ủy viên Thường vụ, đồng chí Lê Thị Lệ Xuân - Ủy viên Thường vụ.

Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2015 là: Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng có thế mạnh về dịch vụ - du lịch - thương mại. Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong nội ô. Thực hiện lát gạch các vỉa hè trên các tuyến đường. Quản lý tốt trật tự xây dựng và quy hoạch đô thị. Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân, thực hiện tốt các chính sách xã hội với xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Qua quá trình đổi mới và phát triển, Đảng bộ phường lãnh đạo nhân dân phấn đấu hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng kinh tế - xã hội địa phương đạt và vượt những chỉ tiêu Đại hội lần thứ XIII đề ra, góp phần đưa Châu Phú A cùng toàn thị xã, toàn tỉnh tiến lên trong thời kỳ mới.

          3. Giai đoạn 2010-2020

Đại hội Đại biểu Đảng bộ phường Châu Phú A, lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010-2015 được tổ chức vào tháng 5 năm 2010, với sự tham gia của 119 đại biểu chính thức. Tại  Đại hội, các đại biểu đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ phường gồm 17 đồng chí ( trong đó có 6 nữ), đồng chí Lê Bá Thiện tái đắc cử Bí thư Đảng ủy phường.  Đến Đại hội Đại biểu Đảng bộ phường Châu Phú A, lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã bầu đồng chí Phạm Công Đợi tái đắc cử Bí thư Đảng ủy phường; năm 2015, Thành ủy Châu Đốc Quyết định điều động đồng chí Trần Thị Tố Huyền về làm Bí thư Đảng ủy phường; sau đó là đồng chí Huỳnh Văn Nghĩa được điều động làm Bí thư Đảng ủy.

Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Thành ủy, Đảng bộ phường đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm tập trung lãnh đạo, thực hiện đạt được những mục tiêu quan trọng góp phần nâng cao cuộc sống của nhân dân như: Hoàn thành mục tiêu 100% hộ sử dụng điện và nước sinh hoạt; 100% các con hẻm có điện đường; hoàn thành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải gắn với nâng cấp đồng bộ các tuyến đường giao thông đô thị; trường đạt chuẩn Quốc gia; đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng; phường không còn hộ nghèo; nâng cấp Châu Đốc thành đô thị loại II; Thực hiện đạt và vượt 17/20 chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ phường lần thứ XIII. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ phường đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm tập trung lãnh đạo, triển khai và nỗ lực thực hiện đạt và vượt 16/18 chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường lần thứ XIV đề ra; kinh tế tiếp tục phát triển; văn hóa, xã hội được quan tâm; quân sự quốc phòng đảm bảo; an ninh chính trị ổn định; công tác xây dựng Đảng được triển khai thực hiện đồng bộ; việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) của Đảng ngày càng đi vào chiều sâu; công tác vận động quần chúng được đổi mới, thiết thực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Về Kinh tế:

Xác định thế mạnh của địa phương là phát triển thương mại, dịch vụ nhằm phục vụ du lịch. Trong những năm qua, Đảng bộ đã triển khai và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng qui mô, đầu tư trang thiết bị, cải tiến mẫu mã hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ khách du lịch, hành hương, cúng viếng,…Thực hiện có hiệu quả đề án “ Phát triển chợ - văn minh thương mại” giai đoạn 2013 - 2015. Doanh thu thông qua chợ hàng năm đều tăng. Duy trì chợ “ Trật tự - vệ sinh” hàng năm theo qui định.  Toàn phường có trên 225 cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp với 526 lao động, có trên 3170 cơ sở dịch vụ thương mại với trên 5.598 lao động tiếp tục hoạt động ổn định sản xuất nhiều mặt hàng với kiểu mẫu phong phú, đa dạng đảm bảo chất lượng và giữ nét đặc trưng, đặc sản của địa phương.   Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thực hiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã và đang triển khai thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao như nấm, cây ăn quả, rau củ các loại, nuôi ếch, nuôi bò vỗ béo…góp phần tăng năng suất, sản lượng và giái trị sản xuất nông nghiệp tăng gần gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng tích cực, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất có hiệu quả, hệ thống mương thủy lợi, đảm bảo bơm, tiêu chống úng cho lúa và hoa màu; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 121 triệu đồng/ha/năm, đạt chỉ tiêu so với Nghị quyết. Tổ sản xuất rau an toàn có 117 hộ tham gia với diện tích 14,77ha (có 05 nhà lưới) đang hoạt động ổn định, sản lượng thu hoạch được bán ra các chợ trên địa bàn thành phố.

Tập trung thu các nguồn thu theo phân cấp hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu. Tổng thu ngân sách nhiệm kỳ 2010 - 2015 là 38.002.740.042 đồng, tổng chi 36.514.836.848 đồng. Tổng thu ngân sách nhiệm kỳ 2015-2020 là 52.418.313.223  đồng,  tổng chi  51.778.673.415  đồng.

Công tác quản lý trật tự đô thị từng bước đi vào nề nếp, đảm bảo đúng qui trình, qui định. Việc quản lý đất công được thực hiện chặt chẽ.

Thực hiện nhiều công trình xây dựng cơ bản và sự nghiệp kinh tế theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đem lại hiệu quả thiết thực: Công trình nâng cấp, sửa chữa, gia cố đường đê chống lũ cặp kênh Vĩnh Tế, khóm Vĩnh Chánh; nâng cấp các con hẻm liên khóm; gắn bảng tên các hẻm công cộng trên địa bàn 11 khóm; gắn camera an ninh công cộng trong các con hẻm, một số tuyến đường và các trường, các cơ sở thờ tự trên địa bàn; Hỗ trợ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn phường: Dự án kè chống sạt lỡ sông Châu Đốc; Dự án khu dân cư Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang, Dự án nâng cấp tuyến đường tỉnh 955A phục vụ ANQP kết hợp với đê bao ngăn lũ vùng tứ giác Long Xuyên đoạn từ Châu Đốc - Cửa khẩu Tịnh Biên.... với tổng số tiền 17.421.195.240 đồng. Duy trì đạt chuẩn phường văn minh đô thị. Triển khai và tổ chức thực hiện Kế hoạch “Sử dụng vỉa hè, lập lại trật tự lòng, lề đường” và Kế hoạch “Tuyến đường không rác”. Qua phúc tra và được công nhận 05 tuyến đường không rác: Đường Nguyễn Đình Chiểu, Thủ Khoa Huân, Chi Lăng, Bạch Bằng, khu vực xung quanh Bồ đề đạo Tràng;  02 tuyến phố văn minh: đường Thủ khoa Huân, đường Nguyễn Đình Chiểu.

Về Văn hóa – xã hội:

 Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao theo từng năm. Công tác duy trì sĩ số học sinh ở các khối lớp được đảm bảo, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng: Có 03/06 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, Tỷ lệ phổ cập giáo dục- chống mù chữ được duy trì  hằng năm.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được thực hiện tốt, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Các chương trình y tế quốc gia thực hiện đạt tỷ lệ theo qui định 95%. Số người dân tham gia bảo hiểm y tế hàng năm đều tăng: 18.206/19.121 người tham gia, đạt 95,21% dân số. Công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình được duy trì, chất lượng dân số ngày càng nâng lên. Thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội.

 Chất lượng gia đình văn hóa được quan tâm thực hiện duy trì hàng năm từ 96 % đến 97% trở lên, 11/11 khóm đều đạt khóm văn hóa. Phong trào văn nghệ, TDTT được duy trì và phát triển tốt. Trên địa bàn phường phát triển nhiều khu vui chơi, thể dục thể thao do tư nhân đầu tư, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia các phong trào thể dục thể thao.  Đài truyền thanh phường tiếp sóng Đài truyền thanh thành phố thông tin các bản tin, thông báo, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến từng khu dân cư: Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn; phòng chống dịch bệnh, chuyên mục phường văn minh đô thị; chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

 Các chính sách xã hội được Đảng bộ quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt, cấp phát chế độ kịp thời cho các hộ hưởng chính sách của nhà nước. Hộ nghèo, cận nghèo luôn được quan tâm, chăm lo, giúp đỡ; Năm 2019 phường không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo 30 hộ tỷ lệ 0,56%; Đến năm 2020, hộ cận nghèo giảm còn 0,4%.

 Giới thiệu việc làm và ký xác nhận hồ sơ xin việc tại các khu công nghiệp, các công ty… trên 13.000 người đạt so với kế hoạch; lao động qua đào tạo nghề 2.059 người.

 Về Quốc phòng - An ninh:

 Công tác tuyển quân hàng năm đều đạt chỉ tiêu trên giao, đưa 196/196 thanh niên lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự, đạt tỷ lệ 100%. Công tác huấn luyện, xây dựng lực lượng dân quân theo đúng kế hoạch đề ra, tỷ lệ xây dựng lực lượng dân quân đạt từ 0,81-1,01 %/tổng số dân; thực hiện tốt kế hoạch của Ban chỉ huy Quân sự thành phố về diễn tập vận hành cơ chế tác chiến trị an. Công tác giải quyết chính sách được quan tâm thực hiện, chính sách hậu phương quân đội được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả.  An ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững; trật tự an toàn giao thông - đô thị luôn được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng ách tắc giao thông nhất là trong các ngày lễ hội; công tác phòng chống tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội; công tác phòng chống buôn lậu được thực hiện thường xuyên; Ban, tổ bảo vệ dân phố hoạt động có hiệu quả. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” được phát động sâu rộng đến từng hộ dân. Công an phường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Về Xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước:

Hội đồng nhân dân đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước tại cơ sở. Các vấn đề về kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh - quốc phòng…được thông qua kỳ họp và tổ chức giám sát thực hiện đạt yêu cầu.

Ủy ban nhân dân hoạt động đúng chế, quy trình tiếp dân và giải quyết khiếu nại - tố cáo được thực hiện đúng luật định và theo nguyên tắc tập trung dân chủ; công khai các thủ tục hành chính và qui trình giải quyết công việc để nhân dân biết.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” hoạt động đúng qui trình, theo bộ danh mục thủ tục hành chính do UBND tỉnh ban hành, tiếp nhận và giải quyết 100% hồ sơ theo qui định.

Hội đồng hòa giải, tổ hòa giải thực hiện tiếp nhận đơn, tổ chức hòa giải đúng thời gian qui định.

 Các tôn giáo tổ chức hoạt động trong năm theo quy định của pháp luật; chức sắc, chức việc tạo mối quan hệ gắn bó với địa phương. Nhân dịp các ngày lễ, tết cổ truyền dân tộc, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các cơ sở thờ tự.

Về Công tác xây dựng Đảng:

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng:

 Được thực hiện thường xuyên; triển khai quán triệt kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh, Thành phố, của Đảng ủy và báo cáo thời sự tình hình trong và ngoài nước đến đảng viên trong Đảng bộ.

 Công tác nắm tình hình dư luận xã hội luôn được đổi mới, lực lượng nắm bắt dư luận xã hội luôn có mặt kịp thời để hỗ trợ khi tình huống xảy ra, thường xuyên xuống địa bàn dân cư kết hợp nghe phản ánh dư luận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Công tác tổ chức:

 Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, kết nạp mới 218 đảng viên, đạt đạt 100% chỉ tiêu trên giao; có 11 đảng viên được trao huy hiệu đảng; công tác quản lý, rà soát, sàng lọc đảng viên được quan tâm triển khai thực hiện  (xóa tên 01 đồng chí; cho ra khỏi đảng theo đơn xin 13 đồng chí).

 Mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực mang lại nhiều hiệu quả. Vận động đóng góp quỹ “Vì người nghèo” trên 10,4 tỷ đồng, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” 451 triệu đồng; qua đó hỗ trợ cất mới 60 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 71 căn nhà tình nghĩa, trợ giúp 30.696 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo hiếu học, giúp chữa bệnh, hỏa hoạn, chăm lo lễ tết,…; sửa chữa, cất mới 243 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương.

Tổ chức tốt các buổi hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Đảng, Chính quyền với nhân dân mỗi năm 02 lần. Tiếp nhận và giải quyết nhanh các đề xuất, kiến nghị của nhân dân.

Ban thanh tra nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát trong việc thi công các công trình đầu tư trên địa bàn... 

3. Giai đoạn 2020 đến nay

Đại hội đại biểu Đảng bộ phường Châu Phú A lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tiến hành trong 1,5 ngày (11/5 đến ngày 12/5/2020), với sự tham dự của 153 đại biểu đại diện cho 617 đảng viên trong toàn Đảng bộ phường. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 15 đồng chí; Ban Thường vụ có 05 đồng chí và đồng chí Nguyễn Thị Hồng Loan được bầu làm Bí thư Đảng ủy phường. Năm 2022, Thành ủy Quyết định điều động đồng chí Huỳnh Bửu Toàn về làm Bí thư Đảng ủy phường

Đại hội Đại biểu phường lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu chặng đường phát triển mạnh mẽ, toàn diện của phường trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, đồng thời mở ra giai đoạn phát triển mới nhanh, toàn diện và bền vững. Kiên trì với hướng đi đã được khẳng định; kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân phường Châu Phú A quyết tâm đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Quan điểm phát triển:

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác vận động quần chúng, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phường. 

 Mục tiêu chung:

Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng ổn định, bền vững; khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đi đôi với phát triển kinh tế, chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; giải quyết việc làm, giảm nghèo; đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, kiềm chế và đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông; giữ vững sự ổn định về chính trị - xã hội để tập trung phát triển kinh tế.

Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; tiếp tục duy trì và nâng chất phường đạt chuẩn văn minh đô thị (nay là đô thị văn minh).

* Kết quả thực hiện 03 khâu đột phá:

 1. Công tác chỉnh trang, trật tự, mỹ quan đô thị gắn với xây dựng chợ văn minh, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch

Đảng ủy xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, đã chỉ đạo UBND phường triển khai các Kế hoạch số 158/KH-UBND, ngày 04/12/2019 của UBND thành phố triển khai thực hiện Đề án An Giang điện tử giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 69/KH-UBND, ngày 05/5/2021 của UBND thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển mới cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 97/KH-UBND, ngày 12/5/2021 của UBND thành phố về phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn thành phố Châu Đốc giai đoạn 2021-2025, chỉ đạo các ngành chuyên môn tập trung thực hiện đồng bộ để hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau hướng tới xây dựng du lịch thông minh.

Chỉ đạo UBND phường phối hợp các ngành thành phố bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích, các lễ hội cùng phục vụ du lịch vừa bảo tồn tốt các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch xúc tiến, quảng bá về khu du lịch núi Sam trong kế hoạch chung của thành phố, cũng như để bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững. Vấn đề văn minh thương mại, ứng xử văn hóa trong hoạt động du lịch được tuyên truyền và tham gia các lớp tập huấn. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch. An ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch được tập trung chấn chỉnh, đã làm cho du khách hài lòng hơn khi đến với Châu Đốc nói chung, phường Châu Phú A nói riêng. Lượt khách tham quan trở lại tăng cao sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh COVID-19.

Thực hiện văn minh thương mại gắn với hoàn thiện, đầu tư nâng chất hệ thống chợ, hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp đầu tư cửa hàng tiện ích và đưa vào khai thác với nguồn hàng phong phú, đa dạng, đảm bảo cung ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân và du khách. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ và làm đầu mối liên kết, liên doanh, phân phối các ngành hàng, xây dựng và quảng bá thương hiệu đặc sản của địa phương thông qua các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, tổ chức thành công “Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành” năm 2021, “Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền” năm 2022, đã góp phần quan trọng trong việc giới thiệu các sản phẩm du lịch, đặc sản Châu Đốc - An Giang và là cơ hội kết nối các vùng miền, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kết nối cung cầu, đẩy mạnh giao thương, liên kết, hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn chủ yếu sản xuất đặc sản của địa phương như mắm, khô, bò viên… với quy mô vừa và nhỏ; các ngành phục vụ nhu cầu xây dựng cơ bản tại địa phương. UBND phường phối hợp các ngành thành phố đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng hỗ trợ các sản phẩm OCOP và đặc sản, xây dựng thương hiệu của địa phương, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đảng ủy chỉ đạo UBND phường xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án An Giang điện tử. Tập trung ưu tiên đầu tư và thực hiện cho các nội dung liên quan trực tiếp đến bảo đảm an toàn, an ninh, cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân.

2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch tâm linh gắn với đô thị hoá

Phường Châu Phú A thế mạnh là dịch vụ du lịch, diện tích đất trồng cây ăn trái 52,76 ha; lúa 207 ha. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nông dân chuyển đổi cây trồng từ lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái với diện tích 04 ha. Bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và xã hội hóa, đã tập trung đầu tư các công trình phúc lợi xã hội như nâng cấp các hẻm, các con đường, bê tông hóa toàn bộ đường giao thông nội đồng. Đẩy mạnh đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng phục vụ và gắn kết phát triển du lịch với những sản phẩm được sản xuất ứng dụng công nghệ mới, nông nghiệp hữu cơ như: rau màu, lúa, trái cây,… Từ đó, cảnh quan, môi trường nông thôn khang trang, điều kiện sống, lao động, sản xuất, học tập của người dân vùng nông thôn nâng lên rõ rệt.

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để tạo ra sản phẩm an toàn. Duy trì tốt hoạt động của các hợp tác xã.

3. Nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh

Trong thời gian qua, Đảng ủy đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; chú trọng giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, thái độ giao tiếp, ứng xử của đảng viên, cán bộ, công chức. Kết quả đội ngũ cán bộ, công chức của phường đã thực hiện tốt các nội dung sau:

- Chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính; nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Có ý thức tổ chức kỷ luật; sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học và hiệu quả; nghiêm túc nhận lỗi, nhận khuyết điểm, tự phê bình, rút kinh nghiệm, có biện pháp và quyết tâm sửa chữa, khắc phục khi để xảy ra sai sót trong thực hiện nhiệm vụ; giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, kỷ cương, cộng tác, giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Thường xuyên tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm tính chuyên nghiệp làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; trung thực, thẳng thắn, khách quan trong báo cáo, đề xuất, tham gia đóng góp với cấp trên.

- Tinh thần, thái độ làm việc tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm; sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được phân công; không gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân, không thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân. Cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý.

- Chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử với Nhân dân và đồng nghiệp. Thường xuyên tạo điều kiện cho công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa công sở, về kỹ năng giao tiếp, ứng xử nơi công sở. Phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công của cấp trên; không né tránh, thoái thác nhiệm vụ; có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của đơn vị. Cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không áp đặt, bảo thủ; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới; gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử.

- Thường xuyên tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; không có biểu hiện cơ hội, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều, ảnh hưởng đến thực thi nhiệm vụ. Tích cực tham gia xây dựng, giữ gìn không gian xanh, sạch, đẹp; môi trường văn hóa thân thiện, văn minh nơi công sở.

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TỪ NAY ĐẾN CUỐI NHIỆM KỲ  ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ PHƯỜNG CHÂU PHÚ A LẦN THỨ XV

 

DỰ BÁO TÌNH HÌNH

Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, tình hình kinh tế thế giới, trong nước, tỉnh và thành phố sẽ có nhiều diễn biến, tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng cũng sẽ có những chuyển biến phù hợp với tình hình. Về trọng tâm, Phường tiếp tục duy trì và nâng chất phường đạt chuẩn đô thị văn minh, giữ vị trí là trung tâm về kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố, góp phần đưa thành phố Châu Đốc từ đô thị loại II lên đô thị loại I. Tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng, nguồn nhân lực toàn xã hội, đề ra những chủ trương, giải pháp thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bên cạnh những thuận lợi, thời gian tới có thể vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức đan xen như tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, lạm phát, thiên tai, dịch bệnh; âm mưu “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc của các thế lực thù địch, lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới còn diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về kinh tế

Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm thu hút khách du lịch. Phối hợp thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.

Triển khai và thực hiện có hiệu quả chủ trương sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp.

Quản lý chặt các nguồn thu, kiểm soát các nguồn chi, tuân thủ, chấp hành dự toán. Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong chi ngân sách. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành cấp trên, tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận với các chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và hỗ trợ các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn.

Duy trì thực hiện Kế hoạch sử dụng vỉa hè và lập lại trật tự lòng lề đường. Tiếp tục đăng ký thực hiện và nâng chất các tuyến phố văn minh; xây dựng  phường đạt chuẩn đô thị văn minh.

Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 07/2/2020 của Thành ủy Châu Đốc về chấn chỉnh trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng không phép, sai phép; lấn chiếm đất công, đất do Nhà nước quản lý.

2. Về văn hóa – xã hội

Quan tâm và tiếp tục hỗ trợ các trường trong công tác dạy và học, phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong việc vận động các em ra lớp, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hỗ trợ các trường xây dựng trường, lớp và trang thiết bị dạy và học đảm bảo chuẩn Quốc gia.

Thực hiện có hiệu quả việc chăm lo cho các gia đình chính sách, vận động toàn dân tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Khảo sát, đề xuất giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo chí thú làm ăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh để ổn định cuộc sống.

 Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia. Thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Vận động Nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

 Thực hiện có hiệu quả chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Xây dựng chương trình hành động và kế hoạch phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn mại dâm và ma túy đạt yêu cầu.

Tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa du lịch, văn minh thương mại đô thị.

3. Về an ninh - quốc phòng

Chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ vững chắc địa bàn, bảo vệ Đảng, Chính quyền và Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống tội phạm, đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Vận động nhân dân thực hiện nghiêm pháp luật của Nhà nước.

Tập trung xây dựng lực lượng dân quân và lực lượng dự bị động viên, lực lượng bảo vệ dân phố vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng hoạt động. Điều chỉnh, xây dựng các kế hoạch sẵn sàng chiến đấu phù hợp, sát với tình hình thực tế. Thực hiện giao quân hàng năm đạt chỉ tiêu, xây dựng lực lượng dân quân đạt tỷ lệ 20% trở lên. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Quan tâm và tạo điều kiện cho thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ có việc làm ổn định.

Tích cực, chủ động đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy. Phát huy mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc; quản lý các đối tượng theo quy định. Tăng cường nắm tình hình dân tộc, tôn giáo, tình hình hoạt động của các loại đối tượng chính trị.

4. Công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, tư pháp

Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa HĐND, UBND, UBMTTQVN phường, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội. Vận động nhân dân tham gia xây dựng chính quyền.

Tiếp dục nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận một cửa theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính đúng theo bộ danh mục thủ tục hành chính quy định. Thực hiện có hiệu quả việc áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục hành chính, lưu trữ hồ sơ; chỉ số PAPI; Đề án 06; tổ công nghệ số; số hóa hồ sơ. Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật từ khóm đến tận người dân. Duy trì thường xuyên công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động trong quản lý nhà nước.

5. Công tác xây dựng Đảng

5.1. Công tác chính trị tư tưởng

Tiếp tục quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên. Nâng cao nhận thức, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Nắm bắt kịp thời dư luận xã hội, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để kịp thời định hướng, cung cấp thông tin chính thống, đề ra giải pháp thiết thực, hiệu quả để giải quyết những vấn đề bức xúc trên lĩnh vực tư tưởng, nhất là thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

5.2. Công tác tổ chức

- Thực hiện tốt công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, các chức danh chủ chốt theo quy định. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy và chi ủy chi bộ trực thuộc. Thực hiện nghiêm việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hàng năm. Thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên; rà soát, sàng lọc đảng viên, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi đảng theo tinh thần Chỉ thị 28-CT/TW của Ban Bí thư.

- Nâng cao chất lượng hoạt động, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới đạt chỉ tiêu.

5.3. Công tác kiểm tra, giám sát

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Chú trọng kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là việc thực hiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, Quy định những điều đảng viên không được làm; các chủ trương cấp ủy cấp trên, trực tiếp là Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy và Đảng ủy phường, tập trung những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, nhất là trong quản lý tài chính, quản lý đất công, quản lý trật tự xây dựng.

6. Công tác Dân vận

Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về công tác dân vận. Triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân vận theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại với dân; lắng nghe và phản ánh những kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền những vấn đế bức thiết liên quan đến đời sống của Nhân dân.

Thực hiện “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Phát huy vai trò nòng cốt, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận cao của xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

*CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19 GIAI ĐOẠN 2020 ĐẾN NAY

CÔNG TÁC TRIỂN KHAI CÁC VĂN BẢN

- Ban Chỉ đạo phường xác định công tác phòng, chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng cần tập trung mọi nguồn lực để hành động, thống nhất từ nhận thức đến hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”; kịp thời triển khai các văn bản để chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả trong công tác phòng chống dịch; cán bộ, công chức gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo; thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Thiết lập số điện thoại đường dây nóng, phân công ứng trực 24/24 giờ nhằm bảo đảm kịp thời tiếp nhận, xử lý mọi vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế về thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn

- Số ca mắc trên địa bàn: 1.738.

- Bệnh nhân có xét nghiệm RT-PCR: 786 người.

- Bệnh nhân có xét nghiệm test nhanh dương tính: 952 người.

- Công tác điều trị, hỗ trợ người nhiễm Covid-19

+ Số người cách ly điều trị tại nhà: 1.428.

+ Số người cách ly tập trung tại các cơ sở y tế: 310.

+ Bệnh nhân điều trị khỏi: 1.683.

- Tỷ lệ tử vong: 55 người, tỷ lệ 3,16%, (tính tử vong trên toàn phường ở các địa phương khác là 85 người, tỷ lệ 4,89%)

- Thành lập Ban Chỉ đạo có 25 thành viên và 07 tiểu ban giúp việc cho ban chỉ đạo gồm: Tiểu ban Điều trị có 8 thành viên; Tiểu ban truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm và an ninh trật tự xã hội có 18 thành viên; Tiểu ban Cách ly có 16 thành viên; Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền có 12 thành viên; Tiểu ban Tài chính, hậu cần và an sinh xã hội có 12 thành viên; Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa có 6 thành viên; Tiểu ban vắc xin Covid-19 có 20 thành viên. Thành lập 11 Tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng có 132 thành viên và Thành lập 11 Tổ Y tế cộng đồng để quản lý F0, F1 có 41 thành viên.

2. Tình hình tiêm văcxin cho người dân trên địa bàn

- Tổng số người dân đã tiêm văcxin: mũi 1: 20.090 người; mũi 2: 16.816 người; mũi 3: 9.289 người, chưa tiêm: 77 người (bị bệnh nền, lớn tuổi)

- Việc cấp giấy chứng nhận: 20.090 người và cập nhật hệ thống cho người dân đã tiêm vacxin: 17.858 người.

3. Công tác quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19

3.1. Nguồn kinh phí theo quy định

Hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch Covid-19 tại các khu vực cách ly trên địa bàn phường với số tiền 32.400.000 đồng.

- Chế độ phụ cấp người làm nhiệm vụ khoanh vùng, phong tỏa, tuần tra, kiểm soát và đảm bảo ANTT:

+ 16 người x 19 ngày x 75.000đ/12h/ngày = 22.800.000 đồng.

+ 08 người x 14 ngày x 75.000đ/12h/ngày = 8.400.000 đồng.

- Khẩu trang: 09 hộp x 40.000đ/hộp =  360.000 đồng

- Khử khuẩn: 14 chai x 60.000đ/chai = 840.000 đồng.

3.2. Nguồn vận động xã hội hóa

* Tổng thu của phường: 1.449.672.000 đ

* Tổng Thành phố cấp phát: 414.073.000 đ

Tổng 2 nguồn 1.449.672.000 + 414.073.000 =  1.896.345.000 đ

* Nguồn MTTQ thành phố và tỉnh hỗ trợ lực lượng tham gia phòng chống Covid-19:

- Chi hỗ trợ tổ đi chợ giúp dân 132 thành viên x 500.000đ =  66.000.000đ.

- Chi tổ phòng chống covid cộng đồng và tổ y tế cộng đồng số lượng 22 tổ x 3.000.000 đ=  66.000.000đ

- Mặt trận thành phố hỗ trợ mỗi khóm 1.000.000đ, giỏ quà trị giá 500.000đ tổng cộng 16.500.000đ

- Mặt trận Tỉnh hỗ trợ Ban Công tác mặt trận 11 khóm x 500.000 đ = 5.500.000đ

- Mặt trận thành phố hỗ trợ Đảng ủy, Công An, Quân Sự, Mặt trận phường mỗi đơn vị 1.000.000đ tổng số tiền 4.000.000đ

* Báo cáo chi:

- Tổng số hộ cấp phát  29.412  lượt hộ với số tiền 1.679.430.000 đ

(Gạo 44 tấn gạo, mì gói 1.898 thùng, các nhu yếu phẩm khác)

- Công tác chăm lo các chốt trực, ăn sáng, trưa, xế, chiều)

Chi bếp ăn: gần 17.000  phần với số tiền 216.915.000 đ

* Tồn quỹ ngày 31/12/2021: 0 đồng

3.3. Hỗ trợ cho lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19:

- Đối tượng bán vé số lưu động: tổng số 155 trường hợp nhưng chỉ được nhận 143 trường hợp với số tiền 214.500.000 đồng; còn lại 12 trường hợp không được  nhận, lý do không bổ sung đủ hồ sơ theo quy định.

- Đối tượng là lao động không có giao kết hợp đồng lao động: Đợt 1: 830 trường hợp đã được duyệt, đã phát: 822 trường hợp, số tiền: 1.233.000.000 đồng, còn lại 08 trường hợp chưa nhận. Đợt 2: 1.398 trường hợp đã được duyệt, đã phát: 1.379 trường hợp với 2.068.500.000 đồng, còn lại 19 trường hợp chưa nhận, (những trường hợp chưa nhận tiền do không có mặt tại địa phương và làm hồ sơ hưởng hộ sản xuất – kinh doanh).

- Hỗ trợ cho 3 trường hợp trẻ em có cha, mẹ bị tử vong do Covid-19 mỗi trường hợp 5 triệu đồng với số tiền 15 triệu đồng.

Thuận lợi

- Ban Chỉ đạo phường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả về phòng chống dịch bệnh Covid-19, khoanh vùng, xử lý triệt để, kịp thời các trường hợp F0, F1 đưa đi cách ly tập trung.

- Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn, được các ban ngành, đoàn thể đã triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, kịp thời, nghiêm túc, chặt chẽ. Hầu hết người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, tự giác tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội.

- An ninh trật tự ổn định, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn bước đầu được kiểm soát tốt, song vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng còn cao. Công tác vận động, thuyết phục tham gia, sự ủng hộ về tinh thần và vật chất đến lực lượng tham gia phòng chống dịch, người có hoàn cảnh khó khăn đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đem lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.

 

 

 

 

 

 

 

KẾT LUẬN

 

Với đặc thù là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa, tập trung bộ máy đầu não của địch, địa bàn Châu Phú A trực tiếp chịu nhiều áp bức bóc lột, những chính sách hà khắc của thực dân Pháp, sau này là đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, Phát huy truyền thống yêu nước, từng lớp người địa phương Châu Phú A nối tiếp nhau tham gia cách mạng, chịu nhiều hy sinh, gian khổ bám đất không ngừng đấu tranh lập được những chiến công đáng tự hào, góp phần trong hai cuộc kháng chiến.

Sau khi đất nước hòa bình thống nhất, xã Châu Phú A và chi bộ xã được thành lập đã lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới với bao khó khăn, phức tạp: ra sức đẩy mạnh sản xuất, ổn định cuộc sống nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện công tác cải tạo nông nghiệp, công thương nghiệp, vận động nhân dân tham gia các phong trào hành động cách mạng… Thực hiện những nhiệm vụ nặng nề trong những năm đầu xã mới ra đời, chi bộ đã thể hiện bản lĩnh cùng nhân dân từng bước vượt qua khó khăn xây dựng và phát triển trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Các công trình thủy lợi được hoàn thành, phục vụ cho thâm canh, tăng vụ. Từ đó, năng suất, sản lượng lương thực không ngừng tăng lên, đời sống nhân dân được cải thiện và từng bước nâng lên. Song song, hoạt động thương nghiệp cũng được mở rộng với nhiều cửa hàng phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Qua đó, chi bộ và chính quyền đã ổn định được lòng dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa xã hội. 

Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ phường Châu Phú A xác định đúng thế mạnh địa phương về thương mại, dịch vụ, từng bước lãnh đạo nhân dân theo đúng hướng bằng những chủ trương, giải pháp cụ thể, đồng thời vận dụng, sáng tạo chủ trương, nghị quyết của cấp trên phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Với tinh thần kiên quyết, dám nghĩ, dám làm, kế thừa những kinh nghiệm đã qua, Đảng bộ và chính quyền phường cùng nhân dân phấn đấu và đạt được những kết quả đáng phấn khởi trong sản xuất và đời sống.

Đến năm 1990, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của phường đã chuyển sang làm lúa 2 vụ, đặc biệt năm 1993, Đảng ủy phường mạnh dạn thử nghiệm thành công sản xuất vụ 3, là phường đi đầu trong thị xã Châu Đốc về sản xuất lúa vụ Thu Đông. Điều này không chỉ nâng cao sản lượng lúa của phường mà còn góp phần nâng cao đời sống người dân.

Kinh tế phát triển là điều kiện phát triển các mặt văn hóa, xã hội. Trong hơn 38 năm đổi mới, nhân dân trong phường đã đóng góp nhiều công sức và tiền của để xây dựng đê bao, hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, phát triển đô thị, các chính sách an sinh xã hội… Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả khả quan. Từ đó, sức mạnh nội lực của phường được phát huy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Đây là niềm tự hào, cổ vũ quân dân toàn phường cố gắng nhiều hơn để xây dựng và phát triển phường toàn diện, sánh kịp với đà phát triển chung của thành phố, của tỉnh và cả nước.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, quân và dân Châu Phú A đã đóng góp nhiều công lao, xương máu, có 143 gia đình liệt sĩ, 149 liệt sĩ, 92 thương, bệnh binh, 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhiều người bị tù đày, nhiều thanh niên tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.

Những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân phường Châu Phú A trong chiến đấu, trong sản xuất đã được Đảng và Nhà nước từ trung ương đến tỉnh ghi nhận, khen tặng cho tập thể và cá nhân trong các thời kỳ cách mạng: 93 huy chương, 176 huân chương. 

Qua 45 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Đảng bộ, chính quyền phường Châu Phú A rút ra một số bài học kinh nghiệm quí báu:

Thứ nhất, Đảng bộ tích cực, chủ động trên cơ sở năm vững chủ trương, đường lối của Đảng và đặc điểm tình hình thực tế; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với tinh thần tự lực tự cường, đề ra những chủ trương sát hợp. Xác định thế mạnh là thương mại - dịch vụ - du lịch, Đảng bộ tập trung, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, khuyến khích, phát triển các loại hình dịch vụ để phát triển khu vực chợ trung tâm đáp ứng nhu cầu của du khách và tiêu dùng của nhân dân. Song song, Đảng bộ đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khuyến khích nông dân đầu tư khai thác tốt tiềm năng đất đai trong sản xuất, tạo ra sản lượng ngày càng tăng. Trên cơ sở đó, nền kinh tế - xã hội của phường được phát triển vững chắc.

Thứ hai, kế thừa và phát huy  truyền thống đoàn kết thống nhất của dân tộc,  nội bộ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đoàn kết thống nhất. Trên cơ sở đoàn kết, tin dân, dựa vào dân, trong mọi tình huống khó khăn, Đảng bộ đã tập hợp được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi gian lao, thử thách thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị địa phương.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng. Đảng bộ nhận thức sâu sắc sức mạnh của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng, không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Là trung tâm đô thị, phần lớn nhân dân là tiểu thương, kinh doanh, mua bán nhỏ, vận dụng đường lối đúng đắn của Đảng, Đảng bộ đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp với nguyện vọng của quần chúng. Những năm đầu thành lập xã, phường với bao khó khăn, Đảng bộ đã làm tốt công tác vận động quần chúng, tạo được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Từ chăm lo lợi ích thiết thân cho nhân dân, Đảng bộ đã tạo được niềm tin trong nhân dân, đã tuyên tuyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng và giành thắng lợi.

Thứ tư, Đảng bộ quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên rèn luyện đạo đức, phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế thừa đủ năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương.

Những thành tựu đạt được đã qua và bài học kinh nghiệm được đút kết là thực tiễn quý báu, giúp cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Châu Phú A tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương ấm no, giàu đẹp, văn minh.  

 

PHỤ LỤC

 

I- DANH SÁCH BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

 

STT

Họ tên

Địa chỉ

01

Nguyễn Thị Soi

Khóm 2

02

Huỳnh Thị Sang

 

03

Trình Thị Tập

 (Trần Thị Huệ)

 

04

Mai Thị Mầu

Khóm 7

05

Lê Thị Sen

Khóm 5

 

II- DANH SÁCH BÍ THƯ CHI BỘ, ĐẢNG BỘ PHƯỜNG CHÂU PHÚ A QUA CÁC THỜI KỲ

 

STT

Họ tên

Thời gian

01

Vũ Hồng Việt

2/1976 - 1978

02

Dương Thị Nhân

1978 - 1982

03

Phạm Văn Công

1982 - 1987

04

Phạm Tấn Tài

1987 - 1990

05

Nguyễn Hoài Bắc

1990 - 1996

06

Lâm Quốc Dũng

1996 - 2002

07

Chung Văn Phú

2002 - 2005

08

Lê Bá Thiện

2005 - 2010

09

Phạm Công Đợi

2010-2015

10

Trần Thị Tố Huyền

2015 -2016

11

Huỳnh Văn Nghĩa

2016 -2020

12

Nguyễn Thị Hồng Loan

2020 - 2022

13

Huỳnh Bửu Toàn

2022 - nay


[1] Hiện cư ngụ tại nhà số 406 đường Lê Lợi, thị xã Châu Đốc.