GIỚI THIỆU MỘT SỐ DI TÍCH Ở THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÙNG ĐẤT CHÂU ĐỐC
So với cả nước, Châu Đốc và miền Tây Nam bộ là vùng đất hình thành muộn nhất. Từ giữa thế kỉ 16 đã có lưu dân người Việt đến khẩn hoang. Đây là vùng nê địa, hoang vu, nên công cuộc khai phá rất gian nan. Ngoài thú dữ ẩn náu trong rừng rậm, lau sậy, mặt đất ẩm thấp đầy sơn lam chướng khí gây nhiều dịch bệnh. Có người phải bỏ mạng khi chưa kịp an cư. Nhưng đây là vùng đất tiềm năng, khi xẻ kinh lắng phèn thì lộ dần lớp phù sa màu mỡ do sông Cửu Long bồi đắp, cá tôm đầy kinh rạch là nguồn thực phẩm dồi dào cho cuộc sống người khai hoang. Dần dần con người chế ngự được thiên nhiên khắc nghiệt, đánh đuổi thú dữ, phá lâm trồng trọt, đánh bắt thủy sản… cuộc sống phát triển khá nhanh. Đất lành chim đậu, lưu dân đến khai khẩn sinh sống ngày một đông. Ban đầu họ sống rải rác, nhưng khi bọn lục lâm thảo khấu và đám giặc khuấy nhiễu biên giới thấy người dân có của ăn của để đã kéo đến cướp bóc. Lưu dân buộc phải đoàn kết và sống gần gũi, hình thành nên xóm làng để nương dựa và bảo vệ lẫn nhau.
Năm 1699 Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn dẫn quân vào Tây nam dẹp giặc Chân Lạp bảo vệ biên cương và ổn định cuộc sống an lành của người dân. Năm sau ông lâm bệnh tại cồn Cây Sao tức cù lao ông Chưởng, thuộc huyện Chợ Mới ngày nay. Sau đó ông lui quân về đến Rạch Gầm (Mỹ Tho) thì mất. Người dân An Giang ghi nhớ ơn ông nên lập nhiều đền thờ tưởng niệm như dinh Ông ở Chợ Mới, đình Châu Phú ở Châu Đốc…
Năm 1757, chúa Nguyễn cử Nguyễn Cư Trinh vào thành lập đạo Châu Đốc, cùng với Tân Châu đạo và Đông Khẩu (Sa Đéc) đạo. Từ đây, vùng đất nầy được thiết lập đơn vị hành chánh, có tổ chức quân sự bảo vệ an ninh, trật tự. Sản xuất, giao thương cũng được quan tâm và định hướng phát triển. Tình trạng lưu dân tự làm tự tiêu, tự trao đổi, giao dịch hàng hóa, sản phẩm một thời gian dài trên vùng đất mênh mông nhưng hoang hóa trải dài từ bờ sông Hậu đến chân dãy Thất Sơn dần dần được cải thiện, đời sống người dân được ổn định và nâng cao, không còn phải đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt và bọn thổ phỉ đến cướp bóc cũng như giặc Xiêm, Chân Lạp thường tràn sang biên giới khuấy nhiễu. Sau khi chế ngự được thiên nhiên khắc nghiệt, được binh lính nhà Nguyễn bảo vệ, người dân với ý chí và sức mạnh đôi tay của mình đã biến vùng đất dữ hóa lành, biến đầm lầy thành ruộng lúa, biến lau sậy thành vườn cây hoa trái, biến rừng hoang thành làng mạc. Lưu dân từ nhiều nơi đổ về vùng đất tiềm năng nầy để khẩn hoang sinh sống ngày một đông. Người Việt từ ngũ Quảng vào, người Hoa phản Thanh phục Minh dong thuyền về phương Nam, người Chăm từ Campuchia chạy sang, cùng với người Khmer từ Chân Lạp xuống, tạo thành một quần thể bốn dân tộc, hình thành cuộc sống phong phú và đa dạng từ văn hóa, tín ngưỡng cho tới phong cách sản xuất, lập nghiệp trên vùng đất mới.
Năm 1824, Thoại Ngọc Hầu tạo sự thay đổi cho vùng đất Châu Đốc qua hai công trình lịch sử: đào kinh Vĩnh Tế và đắp đường Tân Lộ Kiều Lương. Con kinh chiến lược và chiến thuật vừa dẫn nước phục vụ sản xuất vừa là lá chắn ngăn giặc biên cương. Con đường nối liền những vùng cư dân, tạo thuận lợi cho sự đi lại, vận chuyển, giao thương và mở mang sự phồn thịnh từ Châu Đốc ra các vùng lân cận.
Thời Gia Long lên ngôi thống nhất đất nước 1802, Châu Đốc thuộc trấn Vĩnh Thanh, là một trong ngũ trấn (Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên) do Gia Định thành cai quản. Năm 1832, Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh và Nam bộ có 6 tỉnh gồm Phiên An (năm 1833 đổi là Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Tỉnh An Giang bấy giờ rất rộng lớn, chạy dài từ biên giới Tây nam ra tới biển Đông, tỉnh lỵ đặt tại Châu Đốc. Lúc nầy Châu Đốc có điều kiện phát triển. Thành Châu Đốc được xây lớn và kiên cố, chợ Châu Đốc mua bán sầm uất hơn. Các vùng lân cận người định cư ngày một đông, ruộng vườn xanh rờn cây trái. Khách thương hồ đông đảo, hàng hóa tiêu thụ sang cả nước bạn.
Năm 1876, thực dân Pháp chia tỉnh An Giang ra làm 5 hạt là Châu Đóc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng. Năm 1899 đổi hạt thành tỉnh. Tỉnh Châu Đốc có 5 quận và Châu Phú là tỉnh lỵ. Đến năm 1956 chính quyền Ngô Đình Diệm sáp nhập hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên thành tỉnh An Giang, tỉnh lỵ đặt tại Long Xuyên. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, năm 1964 Châu Đốc tách ra và tái lập tỉnh. Năm 1975, chính quyền Cách mạng phân chia địa giới hành chánh theo thời kỳ kháng chiến, Châu Đốc thuộc tỉnh Long Châu Hà gồm Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên. Nhưng cuối năm đó thành lập tỉnh An Giang gồm Châu Đốc và An Giang, Châu Đốc thành thị xã của An Giang và tỉnh lỵ là thị xã Long Xuyên. Năm 2013 Châu Đốc được công nhận là thành phố thuộc tỉnh với 5 phường là Châu Phú A, Châu Phú B, Núi Sam, Vĩnh Mỹ, Vĩnh Nguơn và 2 xã Vĩnh Tế, Vĩnh Châu; và cũng là thành phố ven biên duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long.
Giai đoạn đầu thời Nguyễn dân cư vùng Châu Đốc còn thưa thớt, tụ tập trao đổi hàng hóa chớ chưa có chợ. Đến năm 1819, vua ban chiếu cho địa phương chiêu mộ dân lập chợ buôn bán. Lúc nầy Diệp Hội là Cai phủ, có trách nhiệm khai thác và phát triển thương mãi xứ Châu Đốc, đã lập xưởng sản xuất đồ gốm và ông đứng ra lập chợ Châu Đốc, cử người trông coi chợ gọi là Cai thị. Năm 1914, Pháp cho xây dựng nhà chợ bằng khung sắt thép và lợp ngói đỏ. Từ đó nhiều dãy phố lầu khang trang được hình thành quanh chợ, tạo nên cảnh mua bán sôi động hơn. Năm 1998, chánh quyền Châu Đốc cho trùng tu, nâng cao nóc chợ thoáng mát hơn, nhưng vẫn giữ nguyên nét độc đáo của kiến trúc cũ.
Thành phố Châu Đốc có diện tích gần 100 kí-lô-mét vuông với khoảng 130 ngàn dân sinh sống, cách thành phố Long Xuyên 54 cây số, thành phố Hồ Chí Minh 245 cây số và biên giới Campuchia chưa tới 2 cây số. Đông bắc giáp huyện An Phú, đông giáp huyện Phú Tân, nam giáp huyện Châu Phú, tây giáp huyện Tịnh Biên, tây bắc giáp Campuchia. Thành phố Châu Đốc nằm bên ngã ba sông, nơi tiếp giáp của sông Hậu và sông Châu Đốc. Nhìn qua sông bên phải là xóm Châu Giang của người Chăm quanh năm rậm vườn cây trái, bên trái là Cồn Tiên với truyền thuyết ngày xưa tiên nữ xuống tắm khi bãi cồn còn hoang vu. Trước mặt là ngã ba sông ngàn năm soi bóng lung linh, sau lưng là dãy Thất Sơn uy nghi giữa đồng bằng, thành phố Châu Đốc đẹp như một bức tranh thủy mạc như sự miêu tả của hai câu thơ cổ: Tiền diện tam giang long hí thủy, hậu đầu thất lĩnh phụng triều sơn (Trước mặt ba sông rồng giỡn sóng, sau lưng bảy núi phượng vờn mây). Ngã ba sông Châu Đốc một thời nổi tiếng với những nhà bè nuôi cá tạo nên các làng nổi trên sông rất độc đáo với lối sinh hoạt đặc thù miền sông nước. Tượng đài cá ba-sa bên ngã ba sông là biểu tượng của thời kỳ phồn thịnh của nghề chăn nuôi cá bè ở Châu Đốc.
GIỚI THIỆU VỀ LĂNG THOẠI NGỌC HẦU
Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm trên một khu đất rộng dưới chân núi Sam. Toàn lăng uy nghi trên thềm cao, lưng tựa vào vách núi, mặt nhìn ra con đường vòng chân núi. Thềm cao 9 bậc, lót đá ong, một loại đá lấy từ Biên Hòa và ngày xưa phải vận chuyển đến đây bằng ghe. Nơi neo đậu ghe lên đá nay vẫn còn địa danh Nhà Neo và bãi chứa đá để xây dựng gọi là Bến Vựa.
Thời đó chưa có xi-măng nên lăng được xây bằng hồ ô dước. Bao quanh nội lăng là bức tường dầy cả mét, cao hơn đầu người, nay đã nhuốm màu rêu phong. Mặt trước lăng có hai cửa lớn theo lối kiến trúc của lăng tẫm xưa, hai bên cửa có đôi liễn đối. Hậu lăng là bậc thang đi lên đền thờ được xây trên nền cao, nổi bật trên vách núi. Trong chánh điện, chính giữa đặt bài vị của Thoại Ngọc Hầu và hai phu nhân. Hai bên và phía trước có nhiều nghi thờ với các bộ lư đồng cổ. Ngay cửa chính đền thờ là tượng tròn chân dung ông và bảng tiểu sử.
Mặt tiền lăng là khoảng sân rộng, giữa đặt ngôi long đình trong có bia Thoại Sơn. Trước long đình là khẩu súng thần công, bảng xếp hạng di tích và hai con nai bằng xi-măng, tạo nên vẻ đẹp tôn nghiêm cho lăng.
Trong lăng, chính giữa là mộ Thoại Ngọc Hầu. Ông tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh năm Tân Tỵ 1761 tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Gia đình ông chạy loạn vào Nam và định cư ở cù lao Dài bên sông Cổ Chiên, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. Dưới triều Nguyễn, ông làm Trấn thủ Vĩnh Thanh và có công lớn trong việc giúp dân khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường phát triển sản xuất, mở rộng giao thương, bảo vệ biên cương. Ông đã chỉ huy thực hiện một số công trình để đời như đắp lộ núi Sam – Châu Đốc, đào kinh Thoại Hà và Vĩnh Tế.
Bên phải mộ ông là mộ bà vợ chính Nhất phẩm phu nhân Châu Thị Tế, mất năm Bính Tuất 1826. Bên trái là mộ bà vợ thứ Diệc phẩm phu nhân Trương Thị Miệt, mất năm Tân Tỵ 1821. Trước mỗi đầu mộ đều có bức bình phong, chân mộ là bi ký. Bức tường trước mộ đặt bia đá Vĩnh Tế Sơn. Thoại Ngọc Hầu mất năm Kỷ Sửu 1829, thọ 68 tuổi. Do ông mất sau hai bà vợ nên khu lăng mộ nầy có thể được xây theo ý ông.
Trong nội lăng còn có 14 ngôi mộ và ngoại vi lăng có khoảng 50 ngôi mộ được xây với nhiều hình thức khác nhau như voi phục, cái nón, trái đào… Đây là những ngôi mộ vô danh của thân tộc, cận thần và nghĩa trủng, là những người đã bỏ mình trong công cuộc đào kinh Vĩnh Tế. Tương truyền hai ngôi mộ có hình cái nón và trái đào trong nội vi lăng là anh kép chánh và cô đào chánh của đoàn hát bội mà ông yêu thích khi còn sống.
GIỚI THIỆU VỀ KINH VĨNH TẾ
Sau khi đào xong kinh Thoại Hà vào năm 1818, Thoại Ngọc Hầu tổ chức đào kinh Vĩnh Tế chạy dọc theo biên giới từ Châu Đốc đến Hà Tiên, cụ thể nối sông Châu Đốc, một nhánh của sông Hậu, vào sông Giang Thành chảy qua Đông Hồ thoát ra biển Đông dài hơn 90 cây số. Kinh khởi đào vào năm 1819, huy động 80 ngàn lượt nhân công nhưng bị gián đoạn nhiều lần do nước lụt, dịch bệnh nên đến năm 1824 mới xong. Triều đình nhà Nguyễn đã lấy tên bà vợ lớn của ông là Châu Thị Tế (thuộc dòng họ Châu Vĩnh) đặt cho con kinh là Vĩnh Tế. Bà là người góp công lớn cùng chồng hoàn thành con kinh lịch sử nầy. Kinh Vĩnh Tế được khắc vào cửu đỉnh ở thành nội Huế.
Công cuộc đào kinh rất gian khổ bởi đây là nơi rừng sâu nước độc với nhiều thú dữ, dịch bệnh. Người ta phải phá lâm, vạch lau sậy vào ban đêm để dựng những cây sào lửa rồi điều chỉnh cho thẳng hàng, căng dây làm chuẩn, con kinh mới được thẳng tắp như ngày nay. Nhiều người bỏ mạng vì rắn độc, bệnh tật; thậm chí khi đóng cọc trượt búa vào đầu nhau do quá mệt mỏi, ngủ gục; có người băng rừng, vượt sông trốn về quê và trở thành mồi ngon cho cọp beo, cá sấu, cá mập… Những người hi sinh trong cuộc đào kinh gọi là nghĩa trủng. Sau khi hoàn thành, Thoại Ngọc Hầu làm lễ tưởng niệm những người đã mất với bài Tế nghĩa trủng văn rất lâm li, bi tráng.
Kinh Vĩnh Tế đã dẫn nước và phù sa từ sông Cửu Long xuyên qua cánh đồng hoang hóa vốn nhiều cỏ lác và phèn đọng. Kinh đã giúp đất lắng phèn và đưa nước vào các con kinh xương cá để mở rộng diện tích trồng trọt. Mùa nước nổi, kinh giúp nước thoát nhanh ra biển Đông, hạn chế vấn đề nước lên nhanh đột biến tạo nên lụt lội gây thiệt hại cho mùa màng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Về quân sự, kinh Vĩnh Tế chỉ cách biên giới 1 cây số, giặc xâm lược muốn tiến vào nội địa nước ta phải vượt sông và đó là một lợi thế trong việc bảo vệ biên cương.
Tác dụng của kinh Vĩnh Tế đến nay, dù đã 200 năm, vẫn còn rất hữu ích. Người đời sau đã tiếp tục khai thác con kinh nầy trong chiến thuật gìn giữ biên thùy và nhiều con kinh khác được nối vào kinh Vĩnh Tế để dẫn nước thoát nhanh ra biển giảm nạn lũ lụt, đồng thời giúp vùng Tứ giác Long Xuyên mở rộng và phát triển sản xuất.
GIỚI THIỆU ĐÌNH VĨNH TẾ
Đình Vĩnh Tế nằm trên thềm cao, lưng tựa vào vách núi, thuộc khóm Vĩnh Tây 1 phường Núi Sam. Tọa lạc trên mảnh đất rộng 3.700 mét vuông, diện tích ngôi đình chỉ chiếm 745 mét vuông, nên khuôn viên xung quanh đình rất rộng, sân lót gạch tàu, trồng hoa kiểng thoáng mát và đẹp mắt. Đình có hai chái, chánh điện hình tứ trụ, trên nóc là tượng lưỡng long tranh châu. Chái giữa đòn dong ngang, nhà cối (kho) và nhà trù (bếp) hai bên cất dòn dong xuôi. Trong sân đình có năm ngôi miếu nhỏ: Bạch Mã thái giám, Sơn quân, Ngũ hành, Thần nông, Hậu thổ. Mỗi miếu đều có đôi liễn đối bằng chữ Hán.
Chánh điện thờ bài vị Thoại Ngọc Hầu, ông được vua Minh Mạng sắc phong năm Kỷ Sửu 1829, năm ông mất. Hai bên có bốn nghi thờ, giữa đặt lỗ bộ, các cột chính đều có liễn đối, phía trên là hoành phi, sơn son thếp vàng sặc sỡ.
Đình Vĩnh Tế ban đầu được xây dựng bằng cây lá, cột là danh mộc. Đến năm 1839 được trùng tu xây tường gạch, mái lợp ngói vẩy cá, sườn và cột vẫn giữ nguyên. Chánh điện được tu sửa khang trang hơn. Các lễ cúng ở đình được Ban Quản trị lăng miếu núi Sam tổ chức chu đáo, lệ cúng chính hàng năm diễn ra vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 8 âm lịch. Ngày đầu là lễ thỉnh sắc ông từ lăng qua đình, ngày chính cúng một con heo trắng đã được làm sạch trong lễ túc yết, ngày cuối là lễ hồi sắc. Trong lễ cúng đình, dân làng thường cúng thần những mâm xôi được nén chặt úp tròn trên mâm. Xôi đình rất ngon, bởi từ thời khẩn hoang lưu dân thu hoạch được lúa nếp ngon đã mang đến đình trong dịp lễ để dâng lên các vị thần và các bậc tiền hiền, hậu hiền; cầu mong được phù hộ để tiếp tục trúng mùa ở những năm sau.
GIỚI THIỆU ĐƯỜNG TÂN LỘ KIỀU LƯƠNG
Đường Tân Lộ Kiều Lương hiện nay dài 4 cây số, nối liền đường Nguyễn Văn Thoại (xưa là Bảo Hộ Thoại) từ trung tâm thành phố Châu Đốc vào núi Sam. Đường được nâng cao, mở rộng chiều ngang 55 mét với sáu làn xe ô tô, hai làn xe gắn máy, ba dãy phân cách và hai vỉa hè rộng mỗi bên 6 mét; đáp ứng sự đi lại của mọi người, nhất là du khách vào mùa lễ hội Vía Bà Chúa xứ, hàng triệu lượt người phải qua con đường nầy để đến núi Sam.
Con đường đã được tu sửa, mở rộng nhiều lần, nhưng sớm lạc hậu bởi sự tăng triển quá nhanh của cư dân địa phương cũng như số lượng khách hành hương từ các nơi đổ về bằng đủ loại phương tiện đến chiêm bái, du ngoạn cảnh đẹp núi Sam và quần thể di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia.
Đầu thập niên 60 của thế kỉ 20, con đường nầy rất hẹp, chỉ đủ hai chiếc xe hơi qua lọt và rất hoang vắng. Từ Châu Đốc vào khỏi ngã ba đường Cử Trị một chút là nhà thưa dần rồi trống hẳn. Hai bên đường là hàng cây me nước trơ vơ trong nắng gió. Đến gần ngã ba Đầu Bờ mới có nhà rải rác và vòng qua chân đồi Bạch Vân là khu nghĩa địa vắng vẻ, tới chợ Bến Đá và khu hành chánh xã cũ, mới có nhà cửa đông đúc. Vào những ngày cao điểm vía Bà, khách hành hương dày đặc trên suốt đoạn đường dài 5 cây số từ bến xe Châu Đốc (bên cạnh Bồ Đề đạo tràng) tới miếu Bà, có lúc bị kẹt xe đứng chết một chỗ suốt mấy tiếng đồng hồ. Khách bộ hành nhiều khi phải lội xuống ruộng mở đường mà đi.
Xa xưa, Châu Đốc là vùng biên thùy hoang vu, rừng rậm với nhiều thú dữ. Năm 1757, nhà Nguyễn thành lập đạo Châu Đốc và hình thành thôn xóm, phát triển sản xuất, bảo vệ lưu dân an cư lạc nghiệp. Gần một thế kỉ sau, Thoại Ngọc Hầu đến trấn nhậm. Ông tiếp tục chiêu mộ lưu dân, lập làng quanh vùng núi Sam, Châu Đốc và mở mang đồng ruộng, đào kinh dẫn thủy nhập điền, giúp cuộc sống người dân ngày càng ổn định. Ngoài những con kinh để đời như Thoại Hà, Vĩnh Tế; Thoại Ngọc Hầu còn cho đắp đường, cất cầu nối những vùng dân cư để thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển và giao thương.
Cuối năm 1826, ông cho khởi công đắp con lộ Châu Đốc – núi Sam dài hơn 4 cây số từ dinh đồn Châu Đốc tới Đầu Bờ núi Sam, huy động gần 4.500 lượt nhân công. Khoảng giữa năm 1827 lộ hoàn thành. Giao thông được nối liền giữa hai khu dân cư đông nhất vùng biên cương nầy là núi Sam và Châu Đốc đã làm thay đổi hẳn sự sinh hoạt cộng đồng nơi đây. Ban đầu, con lộ đắp bằng đất, có 4 cây cầu lót ván qua các kinh rạch. Năm 1828, ông cho dựng bia Tân Lộ Kiều Lương Ký ở đầu đường dưới chân núi Sam. Tiếc rằng, qua nhiều năm vật đổi sao đời, không ai chú ý giữ gìn, bia Tân Lộ Kiều Lương bị hư hỏng và lạc mất, sau chỉ tìm được vài mảnh vỡ. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã tìm được nguyên bản văn bia nầy và địa phương đang cho phục hồi.
Qua văn bia, ta hình dung ra được công cuộc đắp đường Tân Lộ Kiều Lương. Từ vận động chi phí cho tới chiêu mộ nhân công, từ ngày tháng khởi công cho đến lúc hoàn thành, từ qui cách con lộ cho tới nguyên nhân xây dựng… đều được ông kể ra một cách chân thành và khiêm tốn, nói lên được tấm lòng của ông đối với cuộc sống của muôn dân. Đọc văn bia ta hiểu khá rõ quá trình đắp lộ, không sót một chi tiết nào. Mở đầu bia ký ông nói nguyên nhân đắp đường, phần giữa bài là quá trình thi công, phần cuối ông nói lên sự tiện ích và tấm lòng của mình. Thật đầy đủ và cô đọng.
Theo thời gian, vùng đất biên thùy Châu Đốc ngày càng trù phú, dân cư ngày càng đông đúc; sản xuất, giao thương, du lịch ngày càng phát triển. Tân Lộ Kiều Lương được nâng cao, mở rộng, trở thành lộ đá, rồi tráng nhựa. Bốn cây cầu ván ngày xưa chỉ còn hai cây cầu sắt, rồi trở thành cầu đúc, bây giờ đã xây cống và xóa cầu. Mặt lộ chật hẹp được mở rộng ra bốn làn xe với một dãy phân cách ở giữa, bây giờ thì trở thành đại lộ với tám làn xe và ba dãy phân cách. Thuở khai sinh mang tên Tân Lộ Kiều Lương, có bia ký cắm ở đầu đường phía núi Sam, rồi sau đó trở thành liên tỉnh lộ 10, quốc lộ 91, đường núi… và bây giờ được trả về với tên ban đầu thật ý nghĩa. Tuy chiều dài con đường ngắn hơn ngày xưa gần một cây số, chỉ từ Đầu Bờ đến ngã tư Đường Núi, từ ngã tư ra đến bờ sông Hậu đã mang tên ông: Nguyễn Văn Thoại.
Tân Lộ Kiều Lương bây giờ là một con đường đẹp, rộng và thoáng, du khách hành hương đi từ Châu Đốc – núi Sam không còn tình trạng kẹt xe nữa.
Biên soạn: Trịnh Bửu Hoài