ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN Lễ đón bằng UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2025
I. THÔNG TIN TỔNG THỂ
1. Khái quát chung về “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam”
1.1. Truyền thuyết về Bà Chúa Xứ núi Sam
Có rất nhiều tư liệu, công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước về nguồn gốc Bà Chúa Xứ núi Sam. Hiện nay tồn tại khá nhiều dị bản khác nhau về sự hình thành Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, trong đó lưu truyền phổ biến nhất trong dân gian vùng Châu Đốc, An Giang là truyền thuyết dưới đây về sự xuất hiện của Bà Chúa Xứ núi Sam:
“…Cách đây khoảng 200 năm có một bọn quấy nhiễu vùng biên giới đã đến núi Sam. Tại đây chúng gặp tượng Bà ở trên gần đỉnh núi. Chúng nổi lòng tham tìm cách đem đi nhưng chỉ xê dịch được một đoạn nên tức giận đập phá làm gãy tay trái của pho tượng, sau đó chúng bỏ đi. Dân làng với lòng tín ngưỡng đã huy động hàng trăm người lực lưỡng đưa tượng xuống núi để phụng thờ và gìn giữ, nhưng làm cách nào cũng không lay chuyển được. Khi ấy Bà bèn đạp đồng cho một người phụ nữ, tự xưng là Chúa Xứ Thánh Mẫu, mách cho dân làng biết rằng muốn đem Bà xuống núi chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên di tượng là được. Quả nhiên khi các cô gái đến khiêng thì tượng Bà trở nên nhẹ nhàng và di chuyển một cách dễ dàng. Đến chỗ miếu Bà tọa lạc hiện nay, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên được nữa. Dân làng nghĩ rằng Bà muốn ngự tại đây nên lập miếu thờ. Hôm đó, là ngày 25 tháng Tư âm lịch và dân làng lấy ngày này làm Lễ vía Bà”[1].
1.2. Quá trình hình thành và phát triển Lễ hội từ trước đến nay
Khoảng năm 1820, miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng phía Tây Bắc núi Sam thuộc làng Vĩnh Tế, lưng quay về vách núi, chánh điện nhìn ra con đường làng và cánh đồng bát ngát. Ban đầu, Miếu do một ông Từ trong coi, Lễ cúng Vía hằng năm do các Hương chức trong làng đảm nhiệm và vẫn còn đơn sơ, ít người lui tới. Sau nhiều lần trùng tu Miếu ngày càng khang trang hơn và thu hút lòng tin của dân địa phương, Hội tề làng đứng ra quản lý và tổ chức Lễ Vía, từ đó Lễ Vía được tổ chức ngày một lớn hơn.
Tuy nhiên, bất cứ ai quen thuộc với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ đều biết có đến hai nhân vật chính trong lễ hội này. Một là thiên thần và một là nhân thần. Thiên thần chính là Chúa Xứ Thánh Mẫu. Bà Chúa Xứ là một nhân vật tâm linh, huyền bí, hiện hữu bằng nhiều truyền thuyết và trong sự tín ngưỡng của người dân. Nhân thần Thoại Ngọc Hầu - Một nhân vật có thật, là một mệnh quan của triều đình nhà Nguyễn, người có công tổ chức đắp đường, đào kinh, mở mang xóm ấp, phát triển sản xuất, bảo vệ biên cương, đem lại an lành và sung túc cho cuộc sống của Nhân dân[2].
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc - An Giang. Đây là lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, ngày Vía chính là ngày 25 tháng 4 âm lịch[3], thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Chăm, Khmer; các nghi lễ cúng theo nghi thức cổ truyền gồm có:
- Lễ tắm Bà: Cử hành vào 24 giờ đêm 23 rạng 24 tháng 4 âm lịch.
(2) Lễ thỉnh Sắc: Cử hành lúc 15 giờ ngày 25 tháng 4 âm lịch.
(3) Lễ túc Yết và xây Chầu: Cử hành vào 24 giờ đêm 25 rạng 26 tháng 4 âm lịch.
(4) Lễ Chánh tế: Cử hành lúc 04 giờ sáng ngày 27 tháng 4 âm lịch.
(5) Lễ hồi Sắc: Cử hành lúc 15 giờ ngày 27 tháng 4 âm lịch.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay Nhân dân, Hội tề làng bị giải tán và thành lập lại Hội Quý tế miếu Bà Chúa Xứ. Năm 1982, Hội Quý tế đổi tên là Ban bảo vệ di tích lịch sử và văn hóa núi Sam. Năm 1990, Ban bảo vệ di tích lịch sử và văn hóa núi Sam đổi tên là Ban quản trị lăng miếu núi Sam. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Hội quý tế và sau này là Ban quản trị đều làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển miếu Bà cũng như tổ chức Lễ Vía ngày càng tốt hơn xứng đáng với niềm tin của cư dân trong vùng và khách thập phương.
Năm 2001, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, ngoài phần Lễ cổ truyền, còn có phần hội được tổ chức trọng thể với tuần lễ văn hóa thể thao kéo dài từ ngày 20 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch.
Kể từ năm 2002, trong chương trình Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam có thêm nghi thức Lễ phục hiện rước Tượng Bà (dựng lại cảnh rước Tượng Bà từ trên đỉnh núi Sam xuống Miếu theo truyền thuyết dân gian với 9 cô gái đồng trinh khiêng kiệu).
Ngày nay, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được địa phương không ngừng đầu tư nâng chất cả về phần lễ và phần hội. Các nghi lễ truyền thống được tiến hành trong Lễ hội theo phong tục tập quán cổ truyền của địa phương, mang bản sắc văn hóa các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, đảm bảo tính trang nghiêm và thu hút sự tham gia của cộng đồng. Chương trình Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam gồm có:
(1) Lễ Phục hiện rước Tượng Bà: Cử hành lúc 15 giờ, ngày 22 tháng 4 âm lịch.
(2) Lễ tắm Bà: Cử hành vào 24 giờ, đêm 23 rạng ngày 24 tháng 4 âm lịch.
(3) Lễ thỉnh Sắc: Cử hành lúc 15 giờ, ngày 25 tháng 4 âm lịch.
(4) Lễ túc Yết và xây Chầu: Cử hành vào 24 giờ, đêm 25 rạng ngày 26 tháng 4 âm lịch.
(5) Lễ Chánh tế: Cử hành lúc 04 giờ sáng, ngày 27 tháng 4 âm lịch.
(6) Lễ hồi Sắc: Cử hành lúc 15 giờ, ngày 27 tháng 4 âm lịch.
Ngoài ra, tùy vào tình hình thực tế tại địa phương hoặc những năm có sự kiện lớn gắn liền với Lễ hội thì địa phương tổ chức Lễ khai hội Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào ngày 21 tháng 4 âm lịch.
Song song với phần Lễ chính, thì các hoạt động phần hội được tổ chức vui tươi đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của Nhân dân. Các hoạt động phục vụ và phát triển lễ hội được thực hiện chu đáo, chú trọng tuyên truyền, quảng bá lan tỏa hình ảnh, ý nghĩa của lễ hội, xây dựng môi trường văn hoá, văn minh trong lễ hội. Phát huy vai trò chủ thể của người dân, thu hút sự tham gia của cộng đồng.
Có thể nói, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, có vai trò quan trọng trong đời sống dân gian, không chỉ đối với người Kinh, Hoa, Chăm và Khmer… ở Nam Bộ, mà còn ảnh hưởng, tác động tích cực đến đời sống tinh thần của một bộ phận cư dân khắp mọi miền đất nước. Tầm quan trọng của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thể hiện ở việc lễ hội này vừa mang giá trị văn hóa đặc sắc vừa là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho những người dân địa phương trong suốt những năm qua.
2. Nỗ lực của tỉnh An Giang trong việc bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam”
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống hàng năm độc đáo của An Giang. Từ năm 1980, việc quản lý nhà nước đối với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh. Những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa, tỉnh An Giang luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của tỉnh.
Năm 2001, với sự lan tỏa về tín ngưỡng Bà Chúa Xứ và sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chọn là một trong những lễ hội tiêu biểu để tổ chức lễ hội du lịch quốc gia. Cũng bắt đầu từ đó, tạo ra sắc thái mới cho lễ hội. Tỉnh An Giang đã trao toàn bộ quyền tổ chức lễ hội cho thành phố Châu Đốc. Đây thực sự là một bước chuyển đổi trong quản lý lễ hội. Sự phân cấp quản lý phù hợp nhằm đảm bảo tính tích cực, chủ động của các cấp lãnh đạo địa phương cũng như sự tham gia của cộng đồng trong tổ chức, thực hiện. Lễ hội đã được địa phương không ngừng đầu tư nâng chất cả về phần lễ và phần hội.
Năm 2014, với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam tỉnh An Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia[4].
Kể từ khi được công nhận, việc quản lý và tổ chức Lễ hội được địa phương thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật, theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng về mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hoạt động Lễ hội dần trở thành hoạt động văn hóa du lịch, tôn vinh di sản, quảng bá hình ảnh vùng đất và con người An Giang đến Nhân dân, du khách trong và ngoài nước.
Năm 2021, tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2022, hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đồng ý đệ trình Tổ chức UNESCO xem xét ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2023, tại Diễn đàn giao lưu Kinh tế và Văn hóa Việt Nam - Ấn Độ, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Hội đồng Thương mại và Công nghệ Toàn cầu Ấn Độ đã vinh danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là “Hoạt động văn hoá tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương”.
Năm 2024, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được Tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại[5].
II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG HỒ SƠ LỄ HỘI VÍA BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM ĐỆ TRÌNH TỔ CHỨC UNESCO
1. Quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đệ trình tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được đặt ra trong buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên với lãnh đạo tỉnh An Giang[6].
Tháng 5/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản[7] trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai xây dựng hồ sơ di sản dự kiến trình UNESCO, trong đó có Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
Tháng 6/2020, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam về việc dự kiến lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO[8], trong đó có Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
Tháng 01/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND, ngày 20/1/2021 về việc xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, tỉnh An Giang đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Kế hoạch giao Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc chủ trì lập hồ sơ đề cử quốc gia Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, tỉnh An Giang đệ trình UNESCO.
Tháng 5/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc ký hợp đồng với đơn vị tư vấn là Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh để tiến hành lập hồ sơ “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam” đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ tháng 5/2021 đến tháng 2/2022, hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được thực hiện theo quy định pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã trình xin ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ.
Tháng 3/2022, hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đồng ý đệ trình tổ chức UNESCO xem xét ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại[9].
Tháng 5/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Văn bản đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam xem xét hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam cho đợt xét duyệt năm 2024[10].
Tháng 7/2023, Ban Thư ký Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể đã có Công văn CLT/LHE/23/0199900015 gửi Cục Di sản văn hóa xác nhận hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đang được thẩm định để xem xét ghi danh vào chu kỳ xét 2024 tại cuộc họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003, tổ chức tại Paraguay từ ngày 02/12/2024 - 07/12/2024.
Từ tháng 8/2023 đến tháng 5/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam theo đề nghị của Ban Thư ký Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể.
Tháng 6/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản thông báo tiến độ hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam và kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO[11].
Tháng 12/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã thành lập Đoàn Công tác[12] bảo vệ hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được thông qua tại kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003.
Ngày 4/12/2024, tại kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 tổ chức tại Thủ đô Asunción quốc gia Cộng hòa Paraguay. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
2. Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Việc UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, niềm vinh dự lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh An Giang. Qua đó, góp phần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến người dân, du khách trong và ngoài nước giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc về vùng đất, con người An Giang, mở ra cơ hội quan trọng để định hướng khai thác Lễ hội một cách bài bản, bền vững, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đây là Lễ hội truyền thống đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long được đón nhận vinh dự này. Đồng thời, đây cũng là niềm tự hào của Nhân dân An Giang nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung, bởi di sản được vinh danh góp phần quan trọng khẳng định sự đa dạng, giàu giá trị của văn hóa dân tộc Việt Nam trong bối cảnh phát triển, hội nhập.
Lễ hội được UNESCO ghi danh sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong quá trình tổ chức, quản lý và gìn giữ di sản chung, gắn kết cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Việc ghi danh cũng góp phần chia sẻ hình thức thực hành lễ hội, khẳng định vai trò của các nghi lễ mang tính chất dung hợp văn hóa các cộng đồng, phản ánh sự đa dạng văn hóa. Đồng thời, lễ hội trở thành di sản đại diện nhân loại sẽ thúc đẩy sự hiểu biết, đối thoại giữa cộng đồng các dân tộc có tín ngưỡng thờ nữ thần ở Việt Nam, Đông Nam Á và trên thế giới.
3. Các phát biểu có liên quan đến Lễ hội
- Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được ghi danh không chỉ là niềm tự hào đối với người dân An Giang hay Nam Bộ mà còn là niềm vui chung của cả nước. Đây là sự minh chứng cho nền văn hóa đa dạng, lâu đời, đậm đà bản sắc của Việt Nam, đồng thời sự công nhận này có ý nghĩa quan trọng, đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế”[13].
- Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, Trưởng Đoàn công tác của tỉnh An Giang khi đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đối với di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam tại Trung tâm hội nghị Conmebol, thủ đô Asunción, Cộng hòa Paraguay, nơi diễn ra Kỳ họp thứ 19 của UNESCO đã cùng Đoàn công tác rất xúc động. Đồng chí Lê Hồng Quang bày tỏ: “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đã khẳng định tính toàn vẹn, xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản độc đáo này”[14].
III. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ LỄ ĐÓN BẰNG UNESCO
1. Công tác chuẩn bị Lễ đón bằng
Nhằm đánh dấu sự kiện Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, Thường trực Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh (nay là Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh) lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ đón bằng UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại[15].
Căn cứ Thông báo kết luận số 722-TB/TU, ngày 07/02/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về chủ trương tổ chức Lễ đón bằng UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 292/QĐ-UBND, ngày 04/3/2025 thành lập Ban Tổ chức và các Tiểu ban chuyên môn tổ chức Lễ đón bằng UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2025. Ban hành Kế hoạch số 217/KH-UBND, ngày 6/3/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức Lễ đón bằng UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2025.
Ban Tổ chức, các Tiểu ban chuyên môn đã tập trung triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức Lễ đón bằng UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2025 như: Công tác tuyên truyền; nội dung của Lễ; công tác lễ tân, hậu cần; an ninh trật tự chu đáo, đảm bảo Lễ sẽ diễn ra trang trọng, phù hợp, đúng quy định.
2. Quy mô, ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện
Lễ đón bằng UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2025 với quy mô khoảng 2.000 đại biểu (gồm các đại biểu Trung ương; tỉnh; các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Châu Đốc; huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; cơ quan báo đài và Nhân dân trong tỉnh).
- Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV Khu vực Tây Nam Bộ (VTV Cần Thơ); Đài ATV và các Đài truyền hình trong cả nước.
- Thời gian: Dự kiến lúc 20 giờ ngày 19 tháng 3 năm 2025 (tối thứ Tư, nhằm ngày 20/02 âm lịch).
- Địa điểm: Khu Du lịch quốc gia núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
- Đơn vị chủ trì: UBND tỉnh An Giang.
- Đơn vị phối hợp: Ủy ban quốc gia UNESCO tại Việt Nam; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang và UBND thành phố Châu Đốc.
Nội dung chương trình Lễ gồm có 3 phần:
- Phần I: Lễ đón nhận bằng UNESCO
- Phần II: Khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2025
- Phần III: Chương trình nghệ thuật đặc biệt và bắn pháo hoa
Việc tổ chức Lễ đón bằng UNESCO và Khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam nhằm để tôn vinh, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng những giá trị di sản của An Giang đến rộng rãi người dân, du khách. Tăng cường nhận thức của cộng đồng trong nước và quốc tế về giá trị văn hóa, lịch sử và ý nghĩa của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Thông qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quảng bá giá trị lịch sử, văn hoá vùng đất, con người An Giang, khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer… ở khu vực, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch theo định hướng phát triển bền vững.
3. Các hoạt động chào mừng sự kiện
Để chào mừng sự kiện, Ban Tổ chức Lễ và Tiểu ban Tuyên truyền thực hiện công tác tuyên truyền cổ động trực quan tạo sự phấn khởi trong Nhân dân hướng về sự kiện, thông qua các hình thức như: Treo Pa-nô, khẩu hiệu, băng rôn, phướn đứng, cờ lễ hội, cờ phướn treo trên các trục đường chính, trọng tâm tuyến đường chính của thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc, đặc biệt là tại thành phố Châu Đốc, nơi dẫn đến địa điểm diễn ra sự kiện. Khu du lịch quốc gia núi Sam, nơi tập trung đông du khách trên địa bàn thành phố Châu Đốc; đoàn viên thanh niên tổ chức diễu hành tuyên truyền lưu động chào mừng sự kiện. Thực hiện treo cờ Tổ quốc trên toàn địa bàn thành phố Châu Đốc.
Xây dựng các tin, bài, chuyên mục, phóng sự về giá trị của di sản và ý nghĩa của việc UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tuyên truyền trên báo chí, trên các nền tảng mạng xã hội, hệ thống truyền hình, truyền thanh từ tỉnh đến cơ sở.
IV. GÌN GIỮ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ “LỄ HỘI VÍA BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM” - DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐẠI DIỆN CỦA NHÂN LOẠI
Để gìn giữ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam” trong thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện một số nội dung:
- Tổ chức Lễ đón bằng UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2025 an toàn, chu đáo làm tiền đề cũng như cầu nối quan trọng giới thiệu văn hóa, lịch sử và bản sắc An Giang đến với Nhân dân trong và ngoài nước.
- Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống tốt đẹp gắn với di sản; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, tinh thần hòa hợp dân tộc và trân trọng vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng.
- Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng; khuyến khích những nghệ nhân thực hành nghi lễ cao tuổi truyền dạy cho thế hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp.
- Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; có chính sách, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản và có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội. Bảo vệ tính nguyên bản của các nghi lễ tránh thương mại hóa hoặc biến tướng lễ hội.
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị Di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước (quan tâm ứng dụng công nghệ số để bảo tồn và quảng bá thông qua các hình thức: Phim tài liệu, triển lãm, website chuyên đề về lễ hội…), gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại, kết nối, quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa vùng đất con người An Giang đến bạn bè gần xa.
V. KẾT LUẬN
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là niềm tự hào của tỉnh An Giang mà còn của cả quốc gia. Sự kiện này mang ý nghĩa sâu sắc trong việc khẳng định giá trị văn hóa của Việt Nam, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời thúc đẩy vị thế của văn hóa Việt Nam trên bản đồ di sản thế giới. Với những cam kết mạnh mẽ từ chính quyền và cộng đồng, Lễ hội sẽ tiếp tục được bảo vệ và phát huy, trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, địa phương, làm nền tảng văn hóa tinh thần giáo dục các thế hệ tương lai.
VI. KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
1. Lễ đón bằng UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2025 diễn ra vào lúc 20 giờ, ngày 19 tháng 3 năm 2025 tại Khu du lịch quốc gia núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang!
2. Chào mừng Lễ đón bằng UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2025!
3. Tự hào di sản văn hóa Việt Nam - Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại!
4. Bảo tồn và phát triển Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại!
5. Chung tay bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại!
6. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại!
7. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam!
8. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - thực hành văn hóa độc đáo của vùng đất An Giang!
10. Chung tay bảo vệ và gìn giữ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam – Bảo vật vô giá của cộng đồng!
11. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - Điểm đến tâm linh, trải nghiệm văn hóa đặc sắc!
12. Chung tay gìn giữ và phát huy giá trị Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam – Di sản vô giá của cộng đồng!
13. Giữ gìn di sản - Phát huy bản sắc - Kết nối tương lai!
BAN TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN TỈNH ỦY AN GIANG
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kỷ yếu Hội thảo khoa học (2021), Bảo tồn và phát huy Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc – An Giang, NXB Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
2. UBND tỉnh An Giang, UBND Tp. Đà Nẵng (2009), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Danh nhân Thoại Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thoại, An Giang.
3. Trịnh Bửu Hoài (2019), Lịch sử xây dựng và phát triển miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, NXB Hội Nhà Văn.
4. Trường Đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh (2024), Hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trình UNESCO ghi danh.
5. UNESCO (2003), Công ước Bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể, tài liệu dịch - Cục Di sản văn hoá.
6. Tài liệu phỏng vấn các chuyên gia về Di sản văn hoá, Trường Đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh.
7. Trịnh Bửu Hoài (2018), Châu Đốc – Di tích thắng cảnh và đặc sản, phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Châu Đốc.
8. Bài viết “Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh là niềm vui chung của cả nước” của tác giả BNG, đăng trên Báo điện tử Chính phủ vào ngày 05/12/2024.
9. Bài viết “UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là Di sản thế giới” của tác giả Thanh Dũng, Báo Nhân dân điện tử ngày 13/12/2024.
[1] Trịnh Bửu Hoài (2019), Lịch sử xây dựng và phát triển miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, NXB Hội Nhà Văn.
[2] Kỷ yếu Hội thảo khoa học Danh nhân Thoại Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thoại, UBND tỉnh An Giang, UBND TP. Đà Nẵng (2009).
[3] Thời gian được chọn làm ngày vía Bà được giải thích là ngày tượng Bà an vị sau khi khiêng từ trên núi xuống.
[4] Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL, ngày 19/12/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Quyết định 873//QĐ-BVHTTDL, ngày 26/3/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
[5] Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003, ngày 4/12/2024 tại quốc gia Cộng hòa Paraguay.
[6] Thông báo số 2539/TB-BVHTTDL, ngày 12/6/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Kết luận của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang.
[7] Công văn số 1900/BVHTTDL-DSVH, ngày 21/5/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và du Du lịch về danh sách di sản dự kiến xây dựng hồ sơ trình UNESCO.
[8] Công văn số 4591/VPCP-KGVX, ngày 09/6/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam về việc dự kiến lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO.
[9] Công văn số 1970/VPCP-KGVX, ngày 30/03/2022 của Văn phòng Chính phủ.
[10] Công văn số 1878/BVHTTDL-DSVH, ngày 15/5/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
[11] Công văn số 2411/BVHTTDL-DSVH, ngày 10/6/ 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
[12] Đoàn Công tác do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang làm Trưởng đoàn.
[13] https://baochinhphu.vn/le-hoi-via-ba-chua-xu-nui-sam-duoc-unesco-ghi-danh-la-niem-vui-chung-cua-ca-nuoc-102241206082419583.htm.
[14] Bài viết “UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là Di sản thế giới” của tác giả Thanh Dũng, Báo Nhân dân điện tử ngày 13/12/2024.
[15] Công văn số 3647-CV/VPTU, ngày 06/12/2024 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc tổ chức Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.