Skip to main content

Tuyên truyền thực hiện phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Châu Đốc,  tỉnh An Giang thực hiện theo Điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt ban hành kèm theo Công văn số 9368/BTNMT-KSON ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cụ thể như sau:

a) Phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:

- Nhóm 1: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, gồm: giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện, điện tử thải bỏ.

- Nhóm 2: Nhóm chất thải thực phẩm, gồm: thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn, các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản...

- Nhóm 3: Nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải khác còn lại.

b) Lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt

Các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại được chứa đựng trong các bao bì/thùng chứa với 03 màu khác nhau để dễ nhận dạng trong quá trình thu gom, vận chuyển, cụ thể như sau:

- Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: Chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường do chủ nguồn thải quyết định (khuyến khích sử dụng màu nâu); lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Khuyến khích áp dụng các kỹ thuật trong phân loại đối với từng loại chất thải theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; khuyến khích thu gom tối đa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế để chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế.

- Chất thải thực phẩm: Chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường do chủ nguồn thải quyết định (khuyến khích sử dụng màu xanh); đảm bảo kín, không rò rỉ, ngăn ngừa mùi phát tán; được lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Chất thải rắn sinh hoạt khác: Chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường do chủ nguồn thải quyết định (khuyến khích sử dụng màu vàng); lưu giữ trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

c) Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

- Ủy ban nhân dân cấp huyện (hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nếu được ủy quyền) căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương quyết định phương án thu gom phù hợp và có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại địa phương đạt hiệu quả, tiết kiệm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các phương án như sau:

+ Phương án 1: Thu gom cùng lúc các nhóm chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại hàng ngày (trong trường hợp đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng các yêu cầu thu gom các nhóm chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại).

+ Phương án 2: Thu gom riêng từng nhóm chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại theo thời gian phù hợp (trong trường hợp đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý không đáp ứng các yêu cầu thu gom cùng lúc các nhóm chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại) như: buổi sáng và buổi chiều; thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ ba, thứ năm, thứ bảy.

- Khuyến khích các địa phương phát động phong trào thu gom chất thải tái chế từ các hộ gia đình, tổ chức, các điểm công cộng… thông qua các Hội, Đoàn thể để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu. Nguồn kinh phí thu được từ việc bán phế liệu được Hội, Đoàn thể sử dụng để duy trì các hoạt động tuyên truyền, vận động và các hoạt động khác phục vụ cho công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại địa điểm thực hiện. 

d) Xử lý chất thải rắn sinh hoạt

- Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế tận dụng để tái sử dụng, tái chế hoặc bán cho các cơ sở thu mua phế liệu.

- Chất thải thực phẩm không sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, làm phân bón hữu cơ hoặc chất cải tạo đất và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

- Xây dựng mô hình ủ compost để khuyến khích tận dụng chất thải thực phẩm từ các hộ gia đình. 

Sưu Tầm